Phiên chất vấn có chất lượng cao, các trưởng ngành thực sự ngồi 'ghế nóng'

Sau gần 3 ngày diễn ra liên tục, phiên chất vấn và trả lời chất vấn chuẩn bị kết thúc. Đánh giá bên lề Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đều chung nhận định: Phiên chất vấn đạt được chất lượng cao, hình thức thực hiện hiệu quả, đáp ứng được mong muốn của đại biểu Quốc hội và cử tri.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diễn chất vấn các thành viên Chính phủ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chất vấn và trả lời chất vấn cởi mở, đi đến cùng vấn đề

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho biết, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này không phải theo vấn đề mà là đánh giá việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng, trưởng ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các đại biểu Quốc hội có rất nhiều cơ hội để hỏi, tranh luận lại với các Tư lệnh ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vì vậy câu hỏi rất chặt, sâu, đi vào trọng tâm, trong thời gian 1 phút. Với thời gian 3 phút trả lời nên các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời cũng đi thẳng vào vấn đề. Không khí phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất cởi mở, thoải mái. Việc thay đổi cách thức giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động chất vấn; giải quyết đến cùng những vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm, có ý kiến. 

Điểm mới trong phiên chất vấn lần này là nếu đại biểu Quốc hội này không đồng tình với ý kiến đại biểu Quốc hội khác, có thể tranh luận lại, giúp Bộ trưởng, trưởng ngành hiểu vấn đề đó sâu sắc hơn, tìm ra cách giải áp dụng hiệu quả hơn. Điều này thể hiện tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội và trí tuệ của các đại biểu Quốc hội.

"Rất nhiều cử tri gửi tin nhắn cho tôi đánh giá cao điều hành của Chủ tịch Quốc hội và cách làm việc của Quốc hội. Những vấn đề cụ thể mà họ đang mong muốn, đang trông chờ đều được đặt lên nghị trường Quốc hội để bàn thảo nên cử tri rất phấn khởi và thấy rằng Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, đại biểu Quốc hội rất hiểu nhân dân. Đây chính là điểm thỏa mãn nhiều cử tri" - đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Đánh giá cao phần điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại biểu Bùi Sỹ Lợi chia sẻ, vai trò điều hành của Chủ tịch Quốc hội rất linh hoạt, yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải trả lời vào trọng tâm. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng điều hành vấn đề tranh luận giữa các đại biểu với Bộ trưởng, trưởng ngành và tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với nhau, làm trung gian hòa giải. "Cách thức điều hành linh hoạt, cởi mở như vậy đi vào lòng cử tri, giúp các đại biểu Quốc hội thỏa mãn, khích lệ các đại biểu Quốc hội tranh luận thẳng thắn với nhau trên nghị trường"- đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) khẳng định, chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động mang tính định kỳ của các kỳ họp Quốc hội, tuy nhiên sau mỗi kỳ đều có sự rút kinh nghiệm, sáng tạo, tạo nên chất lượng của các phiên chất vấn. Phiên chất vấn kỳ này có sự đổi mới, phát huy dân chủ ở nghị trường. Cách thức làm việc đòi hỏi Bộ trưởng phải nắm chắc lĩnh vực, nhiệm vụ được giao, đi thẳng vào vấn đề, tránh trả lời lòng vòng, mở rộng, Trong phần trả lời, nhiều bộ trưởng, trưởng ngành đã đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người dân gửi gắm qua câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Nhìn một cách bao trùm, tất cả các câu hỏi, câu trả lời, tranh luận ở nghị trường đều hướng đến tận cùng của vấn đề để giải quyết. Theo đại biểu Triệu Thế Hùng, cách thức này cần phát huy trong thời gian tới và các thành viên Chính phủ sau khi được chất vấn cần sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, làm sao để thực hiện đúng, trúng lời hứa trên nghị tường, đáp ứng sự quan tâm cử tri cả nước.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Ngọc Nghĩa phát biểu chất vấn. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Các đại biểu đánh giá từ những vấn đề vĩ mô mang tính chiến lược của ngành cho đến những sự vụ cụ thể, những vấn đề nóng, gây bức xúc trong xã hội đã được các Bộ trưởng giải đáp làm rõ. Theo đánh giá của các đại biểu thì các Bộ trưởng và trưởng ngành rất "thuộc bài". Đánh giá cao phần lớn câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã nêu vấn đề trọng tâm mà dư luận quan tâm. Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ trả lời thẳng thắn, đại biểu Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên Huế) nói: "Từ xưa đến nay chúng ta chỉ khoanh vùng chất vấn và trả lời chất vấn. Nhưng bây giờ giữa nhiệm kỳ chất vấn xã hội quan tâm, không loại trừ ai, đây là tinh thần sẵn sàng chất vấn và Bộ trưởng cũng sẵn sàng trả lời cử tri và đại biểu Quốc hội."

Bày tỏ ấn tượng đối với câu trả lời về việc xử lý xỉ than của Nhà máy nhiệt điện của Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà; việc bảo vệ môi trường, xử lý rác thải vào Việt Nam của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; việc liên thông trong xét nghiệm của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; đại biểu Phan Ngọc Thọ khẳng định, phiên chất vấn rất cởi mở, dân chủ. Chủ tịch Quốc hội điều hành linh hoạt, vấn đề nào chưa rõ cần làm rõ hơn. 3 phút chưa đủ thời gian để các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời hết được các vấn đề "nóng", vì vậy việc nghiên cứu sâu, trả lời bằng văn bản là hết sức phù hợp.

Nhận định tại kỳ trả lời chất vấn này, các Bộ trưởng, trưởng ngành ngồi trên ghế "nóng" thực sự, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nêu rõ: Các đại biểu đã trao đổi, thậm chí tranh luận lại với nhau để thấy nhiều góc nhìn khác nhau của một vấn đề, đưa ra nhận định, tất cả thông tin chuyển đến Bộ trưởng để Bộ trưởng quan tâm trong lĩnh vực điều hành đạt hiệu quả cao. Phiên chất vấn thể hiện tính dân chủ cao, đại biểu Quốc hội có thể đưa ra bất cứ câu hỏi nào ở bất cứ thời điểm nào về những vấn đề đại biểu quan tâm, tìm hiểu. Ngoài các vấn đề kinh tế, xã hội, công tác tư pháp chiếm 1/3, thậm chí là 1/2 thời lượng chất vấn. 

Trong công tác tư pháp, đại biểu Nguyễn Bá Sơn thể hiện sự hài lòng đối với phần trả lời của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Đại biểu cũng nêu quan điểm: Nhìn bao quát, đã có những chuyển biến trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn được nâng lên qua từng kỳ họp; tuy nhiên không phải lúc nào câu trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành cũng làm thỏa mãn được người đặt câu hỏi và cử tri. Điển hình như câu chuyện "đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng" xảy ra tại Cần Thơ làm "nóng" dư luận thời gian qua. 

Chúng ta chỉ trích lực lượng Công an Cần Thơ và yêu cầu Bộ Công an phải trả lời. Tuy nhiên, tất cả các câu trả lời đều là: chúng tôi làm đúng quy định và điều đó hoàn toàn hợp lý. Câu chuyện này nằm ở chỗ quy định không còn phù hợp với thực tế. Hành vi hành chính không thể chỉ xử phạt ở một mức được mà có thể có nhiều mức. Mức độ vi phạm khác nhau thì phải xử phạt khác nhau. Hiện có một số văn bản bất cập, thậm chí vô lý, dẫn đến sự việc như tại Cần Thơ, thể hiện sự tồn tại trong xây dựng văn bản. Cơ quan "gác cửa" về lĩnh vực tư pháp của Chính phủ là Bộ Tư pháp cần nghiên cứu để hoàn thiện các quy định - đại biểu Nguyễn Bá Sơn nêu quan điểm.

Phúc Hằng (TTXVN)
Ngày cuối tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội
Ngày cuối tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội

Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường về chất vấn và trả lời chất vấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN