Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm việc tại Hà Giang

Ngày 7/7, Đoàn giám sát của Quốc hội do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với tỉnh Hà Giang về “Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Hà Giang. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, tỉnh Hà Giang đã tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai kịp thời các chương trình mục tiêu quốc gia và đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình đề ra.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hà Giang đã huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Bảo tồn truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc; hướng dẫn, hỗ trợ người dân xóa bỏ những thủ tục lạc hậu, tiếp cận văn minh để hòa nhập với cộng đồng xã hội… Góp phần từng bước cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng hỗ trợ đến việc phân bổ vốn và triển khai, giám sát của các cơ quan Trung ương, địa phương, cộng đồng và người dân. Phong trào “Hà Giang chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các địa phương hưởng ứng và triển khai thi đua thực hiện hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 5,17%/năm, vượt kế hoạch Trung ương giao. Cùng với đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện sâu rộng. Kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, năng lực, trình độ sản xuất được nâng lên, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo và có những thành công bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Qua thực tiễn triển khai, Hà Giang vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Kết quả thực hiện chưa đồng đều ở các địa phương, một số đơn vị tiến độ thực hiện chậm. Việc triển khai thực hiện một số chương trình, dự án, đặc biệt dự án hỗ trợ sản xuất, nhân rộng mô hình được triển khai ở các địa phương hiệu quả chưa cao. Kết quả rà soát tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 chất lượng chưa cao. Quy mô các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và năng lực quản trị còn yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, chưa đủ khả năng để hình thành và phát triển các sản phẩm với quy mô lớn…

UBND tỉnh Hà Giang đề xuất với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ cho tỉnh Hà Giang, bảo đảm đủ nguồn lực hoàn thành mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025. Bổ sung nguồn vốn viện trợ, các tổ chức quốc tế để đầu tư các công trình thiết yếu nhằm phục vụ cho nhân dân các xã đặc biệt khó khăn. Xem xét ban hành chính sách cho phép các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được vay thêm nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội…

Chú thích ảnh
Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với tỉnh Hà Giang về việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận và đánh giá cao Hà Giang đã chủ động, tích cực chỉ đạo và triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Giang giảm theo chuẩn nghèo đa chiều 5,12% (theo kế hoạch đặt ra là 4%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5,87%... Đây là kết quả ấn tượng với một tỉnh nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc hiện còn gặp rất nhiều khó khăn như Hà Giang.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hà Giang cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn nữa, phát huy, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, quyết tâm giải ngân 100% vốn và hoàn thành các mục tiêu của các chương trình vào năm 2025. Hà Giang cần xác định rõ xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là các chương trình có tác động lớn, toàn diện đến kinh tế-xã hội. Quá trình triển khai các dự án, chính sách cần có cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa. Cần nghiên cứu cơ chế, giải pháp để lồng ghép việc triển khai thực hiện các chương trình trên cùng một địa bàn.

Trên cơ sở các ý kiến của đoàn giám sát và các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hà Giang, đoàn giám sát sẽ tổng hợp đề nghị các bộ, ngành xem xét, giải quyết. Báo cáo, tham mưu với Quốc hội, Chính phủ có cơ chế đặc thù trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn để các địa phương dễ triển thực hiện.

Cũng tại buổi làm việc, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng khẳng định, các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ ở các địa phương đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Các chương trình đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, coi đây là động lực quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, từng bước giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng Hà Giang phát triển nhanh và bền vững- ông Nguyễn Mạnh Dũng cho biết.

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng đoàn giám sát đã dâng hương, dâng hoa viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên và Đền thờ Liệt sĩ điểm cao 468 thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Minh Tâm (TTXVN)
Xã miền núi Minh Khương vượt khó xây dựng nông thôn mới
Xã miền núi Minh Khương vượt khó xây dựng nông thôn mới

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, xã Minh Khương (huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) đã có sự đổi thay rõ rệt. Từ địa phương đặc biệt khó khăn, với những hạn chế đặc thù của xã miền núi, đến nay, Minh Khương đã vươn mình, phát huy sức mạnh tập thể hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ngày càng nâng lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN