Rà soát lại toàn bộ bất cập về đầu tư công

Tại phiên chất vấn sáng 16/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt các câu hỏi về hiệu quả của đầu tư công đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nêu vấn đề, có dự án xây dựng lò mổ, vay tiền nước ngoài xây dựng xong để không, không sử dụng, gây lãng phí. Làm thế nào để hạn chế vấn đề này? Hiệu quả đầu tư công cũng là câu hỏi mà các đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội), Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn sáng nay 16/11. Ảnh: TTXVN

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiệu quả đầu tư công là vấn đề trọng tâm, nằm trong chương trình tái cơ cấu lại đầu tư công. Trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương sử dụng vốn.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển từ phương thức cấp phát sang cho vay lại; làm rõ trách nhiệm hơn, hạn chế tối đa bảo lãnh chính phủ. Bên cạnh đó, cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương kiểm soát chặt chẽ nợ công... Về vốn vay nước ngoài, hiện đã cơ cấu lại theo hướng tăng vay trong nước, giảm vay nước ngoài (Hiện vay nước ngoài còn hơn 39%). 

Cũng trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời thêm về hiệu quả đầu tư công. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước đây, khi chưa có Luật Đầu tư công, việc đầu tư công diễn ra tùy tiện, vượt khả năng cân đối của ngân sách Trung ương và địa phương.

Bộ trưởng dẫn ra con số, trước đây, mỗi giai đoạn 5 năm có trên 20.000 dự án, không rõ nguồn vốn và khả năng giải ngân, dẫn tới thất thoát, dừng, giãn, hoãn dự án rất lớn. Khi có Luật Đầu tư công, giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn 1.000 dự án, bám sát vào khả năng cân đối của ngân sách. Nợ đọng của các giai đoạn trước sẽ được xử lý dứt điểm trong giai đoạn này.

Trước việc các dự án có tổng mức đầu tư không sát thực tế, vượt rất nhiều, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tính toán định mức, có tổng mức đầu tư hợp lý. Chính phủ cũng đã trình phương án tái cơ cấu đầu tư công; đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại toàn bộ bất cập về đầu tư công theo hướng chặt chẽ, hiệu quả, thuận lợi và nhanh gọn.

Về nợ công liên quan tới vay nước ngoài, Quốc hội đã phê duyệt đầu tư công trung hạn. Theo đó, vốn nước ngoài ODA là 300.000 tỷ đồng trong 2 triệu tỷ đồng tổng đầu tư giai đoạn 2016 - 2020. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mặc dù đã ký vượt lên là 1,9 tỷ USD vốn cấp phát, tương đương 42.000 tỷ đồng, nhưng vẫn còn 30.000 tỷ đồng vốn dự phòng. Nếu bổ sung vốn này cho kế hoạch trung hạn và khả năng giải ngân là 1,4 tỷ USD (tương đương 30.000 tỷ đồng dự phòng), các dự án này vẫn nằm trong giới hạn kiểm soát được.

H.V/Báo Tin tức
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Kiểm soát chặt bội chi liên quan đến nợ công
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Kiểm soát chặt bội chi liên quan đến nợ công

Sáng 16/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn tại Quốc hội trước nhiều câu hỏi của các đại biểu về vấn đề quản lý nợ công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN