Tâm thế mới của đối ngoại đa phương Việt Nam

Báo Tin Tức trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá về những thành tựu của đối ngoại đa phương trong thời gian qua, cơ sở nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam trong thời gian tới.

Các bộ trưởng ngoại giao tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao về hợp tác sông Mekong - Lan Thương lần thứ nhất. Ảnh: Trung Kiên-TTXVN

Năm 2015 đang dần khép lại với nhiều thành tựu đối ngoại rất quan trọng, trong đó đối ngoại đa phương được xem như một điểm nhấn. Với những thành tựu của đối ngoại đa phương trong thời gian qua, chúng ta hoàn toàn tin tưởng và có cơ sở cho việc nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam trong thời gian tới.

Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa ngày càng tăng cũng như sự nổi lên của các thách thức toàn cầu khiến tất cả các quốc gia từ lớn đến nhỏ đều cần hợp tác với nhau để giải quyết những thách thức đó. Chính vì vậy, các khuôn khổ đa phương là cơ chế thích hợp nhất để các nước phát huy khả năng hợp tác.

Xu thế đa cực hóa và dân chủ hóa quan hệ quốc tế đang tạo cơ hội cho các nước vừa và nhỏ có vai trò lớn hơn trong khuôn khổ đa phương. Với nguồn lực hạn chế, các nước vừa và nhỏ khó có thể có tiếng nói bình đẳng thực sự với các nước lớn nếu chỉ dựa vào kênh quan hệ song phương.

Nhưng với các cơ chế đa phương, chúng ta có thể nhân sức mạnh của mình lên nhiều lần khi chung sức, đồng lòng với các đối tác có cùng quan điểm và lợi ích. Đối ngoại đa phương chính là đòn bẩy giúp chúng ta phát huy “sức mạnh mềm”, từ đó nâng cao sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy và bảo đảm tối đa các lợi ích quốc gia, dân tộc.

Nhìn lại lịch sử ngoại giao Việt Nam hiện đại, đối ngoại đa phương đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng ngay từ buổi đầu lập nước. Trong những năm đầu của cuộc trường kỳ kháng chiến, Bác Hồ đã 9 lần gửi thư cho Liên hợp quốc để tranh thủ vai trò của tổ chức quốc tế lớn nhất về ngoại giao đa phương trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc của nhân dân ta.

Suốt 70 năm qua, từ Hội nghị Geneva 1954 đến Hội nghị Paris 1973 cũng như trên nhiều diễn đàn quan trọng khác, đối ngoại đa phương đã góp phần thiết yếu vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ các lợi ích an ninh và phát triển, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Bước chuyển từ tư duy đến hành động

Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đánh dấu bước chuyển quan trọng về tư duy đối ngoại. Chúng ta chủ trương “triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các hoạt động đối ngoại” trên tất cả các kênh song phương và đa phương, dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân.

Đại hội XI của Đảng cũng đề ra chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, trong đó xác định “chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi”.

Trong những năm qua, bám sát chủ trương đó, với thế và lực mới của đất nước sau gần 30 năm Đổi mới, đối ngoại đa phương Việt Nam thực sự được chắp cánh và nâng lên một tầm cao mới, góp phần giúp Việt Nam khẳng định được tầm vóc và vị thế của mình trên bàn cờ chiến lược khu vực và quốc tế.

Đóng góp ý nghĩa - lợi ích thiết thực

Chưa bao giờ đối ngoại đa phương Việt Nam lại gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật như những năm vừa qua. Đáng chú ý, Việt Nam đồng thời được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu với số phiếu rất cao vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2008-2009), Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) (nhiệm kỳ 2016-2018), Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) (nhiệm kỳ 2013-2015), Ủy ban Di sản Thế giới (nhiệm kỳ 2013-2017) và Hội đồng Chấp hành UNESCO (nhiệm kỳ 2015-2019). Không phải ngẫu nhiên mà khi thăm Việt Nam tháng 5/2015,Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã khẳng định Việt Nam “có thể là người đi tiên phong thực sự của Liên hợp quốc”.

Đặc biệt, Việt Nam đã và đang đi đầu trong việc cùng các nước thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Nhìn lại 20 năm qua, ngay sau khi gia nhập ASEAN năm 1995, chúng ta đã tích cực thúc đẩy việc kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar, hiện thực hóa giấc mơ một ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á.

Mặc dù chặng đường Việt Nam tham gia ASEAN chỉ bằng non nửa lịch sử của tổ chức này, nhưng Việt Nam đang là nước đạt tỷ lệ cao nhất trong việc thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Việt Nam trở thành cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo, thúc đẩy xu thế hợp tác và liên kết giữa ASEAN với các đối tác, đưa ASEAN trở thành một tâm điểm trong mạng lưới kinh tế - thương mại và liên kết ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Chúng ta đã và đang khẳng định vai trò là một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á thúc đẩy đối thoại nhằm duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung, thể hiện đóng góp thiết thực và có trách nhiệm của Việt Nam vào việc củng cố xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển ở Châu Á - Thái Bình Dương. Việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực Đông Nam Á cũng chính là bảo đảm môi trường hòa bình, phục vụ mục tiêu phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, cũng không thể không kể đến những sáng kiến mà chúng ta đưa ra về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước tại các cơ chế, diễn đàn khu vực và tiểu vùng như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công và giữa Mê Công với các đối tác. Những sáng kiến, đề xuất này đã góp phần ứng phó hiệu quả với các thách thức ở khu vực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân trong toàn khu vực.

Điều thú vị là khác với các giai đoạn trước, những năm qua chứng kiến các hoạt động đối ngoại đa phương Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu ở tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Với tầm vóc mới mà đối ngoại đa phương Việt Nam đạt được, chúng ta đã được bạn bè quốc tế tín nhiệm, đăng cai nhiều hội nghị quan trọng có tầm cỡ khu vực và toàn cầu như Cuộc họp lần thứ 19 Ủy ban Thường trực của Hội nghị Quốc tế các đảng chính trị Châu Á (ICAPP) (4/2013), Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 (4/2015) và Hội nghị cấp cao APEC năm 2017.

Trước đây, hoạt động đối ngoại đa phương mới gói gọn trong khuôn khổ hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề của Việt Nam, nhất là những vấn đề liên quan hòa bình và chiến tranh. Ngày nay, nói đến đối ngoại đa phương Việt Nam, ai cũng hình dung đến một quốc gia đang chủ động vươn ra cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển.

Từ ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, đến cải cách cơ cấu, tăng trưởng xanh, kết nối khu vực, phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam đã và đang khẳng định được chỗ đứng xứng đáng của mình với tư cách một thành viên đầy trách nhiệm và có uy tín của cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc đã nhiều lần vinh danh Việt Nam với tư cách là một trong số ít quốc gia đi đầu trong thành tích xóa đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và sáng kiến “Một Liên hợp quốc”.

Từ năm 2014, Việt Nam đã lần đầu tiên tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chúng ta cũng trở thành nước đi đầu ở Đông Nam Á với việc tham gia và đã phê chuẩn 7/9 Công ước chủ chốt của Liên hợp quốc về quyền con người, đồng thời đẩy mạnh quá trình pháp điển hóa các quy định trong nước cho phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là trong việc bảo vệ quyền lợi của những nhóm thiểu số, dễ bị tổn thương trong xã hội.

Việc chúng ta tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) , Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB)… ngay từ khi những cơ chế này vừa được thành lập là những tính toán chiến lược hết sức đúng đắn. Bởi lẽ, với tư cách là thành viên sáng lập, Việt Nam có quyền tham gia định hình luật chơi của các thể chế này nhằm tranh thủ mặt tích cực và bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia. Rõ ràng, cách tiếp cận mới đó giúp chúng ta nâng vị thế từ thụ động lên vai trò chủ động tại các khuôn khổ đa phương vốn đầy rẫy sự cạnh tranh, thậm chí áp đặt của các nước lớn.

Việt Nam đã và đang đi đầu trong ASEAN hoàn tất các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng với các trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới như Liên minh Châu Âu (EU), Nga (trong Liên minh Kinh tế Á - Âu), Hàn Quốc… Với triển vọng triển khai và hoàn tất 15 FTA đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm của các FTA ở khu vực với mạng lưới gồm 58 đối tác, trong đó có toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 15 nước G20, đóng góp trên 80% GDP toàn cầu.

Bên cạnh những lợi ích có thể lượng hóa, việc phát huy tốt công cụ đối ngoại đa phương trong ASEAN đã nâng giá trị chiến lược và vị trí của Việt Nam trong chính sách của các nước lớn đối với khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà trong 15 năm qua, chúng ta đã thiết lập được quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với tất cả các nước láng giềng và các nước có vai trò, vị trí quan trọng trên thế giới [1]. Thông qua các cơ chế hợp tác đa phương với ASEAN là trung tâm, Việt Nam đã gia tăng tốc độ đan xen lợi ích chiến lược với các nước lớn có ảnh hưởng chủ đạo ở khu vực và trên thế giới. Điều này đã góp phần giúp chúng ta giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời tranh thủ được các nguồn lực phục vụ phát triển.

Tâm thế mới

Năm 2015 là năm bản lề trong việc thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế nói chung và triển khai đối ngoại đa phương nói riêng. Với thành công và dấu ấn tại IPU-132, Hội nghị Thượng đỉnh Khóa 70 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên hợp quốc (COP-21) và đặc biệt là việc tham gia hoàn tất đàm phán nhiều FTA lớn và hình thành Cộng đồng ASEAN, đối ngoại đa phương Việt Nam có đầy đủ hành trang để tự tin đi tới với tâm thế và tầm vóc mới.

Thời gian 5 - 10 năm tới có ý nghĩa then chốt đối với công cuộc Đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa vị thế đất nước. Đây cũng là thời điểm chúng ta đảm nhận nhiều trọng trách và hoàn tất nhiều cam kết quốc tế. Đã đến lúc chúng ta cần triển khai hoạt động đối ngoại với tư duy mới, cách tiếp cận mới và tư thế mới. Hoạt động đối ngoại đa phương thời gian tới do vậy sẽ được “nâng tầm” theo các hướng sau:

Một là, chuyển mạnh từ tư duy “gia nhập và tham gia” sang tư duy “chủ động tham gia đóng góp xây dựng và định hình luật chơi chung”, tăng cường cách tiếp cận đa ngành, chú trọng nội hàm phát triển bền vững.

Chúng ta sẽ chủ động đóng góp vào các quan tâm chung, đẩy mạnh đề xuất sáng kiến, ý tưởng, trong đó coi trọng thực hiện Cộng đồng ASEAN, hợp tác trong các cơ chế tiểu vùng sông Mekong; nâng cao hiệu quả tham gia Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Cộng đồng Pháp ngữ (Francophonie) và các khuôn khổ hợp tác khác, tích cực hơn trong việc đưa ra các sáng kiến và cân nhắc tham gia, đồng khởi xướng các cơ chế hợp tác mới.

Hai là, trong giai đoạn từ nay đến 2020, đối ngoại đa phương cần tập trung đảm nhận thành công các trọng trách và đăng cai tổ chức các hoạt động đa phương lớn, đặc biệt là tiếp tục phát huy tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018; đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC và các hoạt động của Diễn đàn này trong năm 2017; đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Ba là, cần có định hướng tổng thể và dài hạn của đối ngoại đa phương Việt Nam trong 10 - 20 năm tới. Đây là điều kiện tiên quyết để nâng tầm đối ngoại đa phương đáp ứng các yêu cầu mới của hội nhập quốc tế toàn diện.

Chúng ta cũng cần thực hiện tốt các cam kết quốc tế lớn có thời hạn vào 2016 - 2020, nhất là tiếp tục thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng AEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, tham gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018 cùng các hiệp định thương mại tự do nhiều bên, triển khai các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu tại Hội nghị COP-21 vừa qua.

Chúng ta sẽ đẩy mạnh nội hàm phát triển bền vững và ứng phó với các thách thức toàn cầu trong các hoạt động đa phương, đặc biệt những lĩnh vực phục vụ thiết thực Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

Trong đó, Việt Nam coi trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đối tác phát triển, liên kết và kết nối khu vực, tham gia sâu hơn các chuỗi giá trị và cung ứng, cải cách cơ cấu, thu hẹp khoảng cách phát triển, xóa đói nghèo, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực, bình đẳng giới, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, nước biển dâng, dịch bệnh, nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước, tài nguyên biển và đại dương, an ninh, an toàn hàng hải… bởi đây là những lĩnh vực ta có lợi ích thiết thân và khả năng đóng góp.

Xác định đúng và trúng những điểm đột phá của đối ngoại đa phương trong thời gian tới sẽ tạo sức bật mới cho sự phát triển và vị thế đất nước. Nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam đồng nghĩa với việc toàn bộ hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc. Để làm được điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành, với lực lượng nòng cốt là đội ngũ cán bộ đối ngoại đa phương có bản lĩnh, chuyên nghiệp, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Với những lợi ích to lớn và thành tựu quan trọng đạt được trong những năm qua, đối ngoại đa phương hoàn toàn xứng đáng có một vị trí cao hơn trong các ưu tiên đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.


[1] Các Đối tác chiến lược: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines; Các Đối tác toàn diện: Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Đan Mạch, Ukraine, Nam Phi, Brazil, Chile, Argentina, Venezuela.

TTXVN/Tin Tức
Việt Nam nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu
Việt Nam nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu

Việt Nam đã xây dựng Báo cáo “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định về vấn đề biến đổi khí hậu” (INDC) và đang tích cực thực hiện báo cáo này, thể hiện nội lực của mình trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN