Thêm thời gian đánh giá, trước khi đưa quy định xử lý tài sản bất minh vào luật

Đại biểu Quốc hội sẽ giám sát Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) khi luật này có hiệu lực. Nếu thấy có phương án phù hợp sẽ kiến nghị đưa vào luật quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc.

Ngày 20/11, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, trong đó không có quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Trước đó, quy định này với các phương án xử lý khác nhau đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều lần, tuy nhiên chưa đi đến sự đồng thuận cao.

Phóng viên báo Tin tức ghi nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang): Để luật đi vào thực tiễn rồi kiến nghị bổ sung phương án xử lý

Chú thích ảnh

Vấn đề này các đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lấy ý kiến các đại biểu. Tuy nhiên, ý kiến không tập trung mà có nhiều nhóm ý kiến khác nhau như đưa ra tòa án hay cơ quan thuế xử lý… Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định vẫn giữ như luật hiện hành.

Tôi thấy đây là việc quan trọng trong xử lý tham nhũng, được cử tri rất quan tâm. Hiện nay, chúng ta vẫn thực hiện theo quy định cũ nhưng trong quá trình vận hành Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tiếp tục theo dõi, giám sát. Nếu cần thiết thì sẽ có ý kiến chính thức chọn phương án nào phù hợp và giúp xử lý tham nhũng tốt hơn.

Khi luật có hiệu lực sẽ tiếp tục được theo dõi chặt chẽ. Chọn phương án nào thì để khi ra thực tiễn xem xét và bổ sung trong thời gian tới.

Hiện nay, các luật có liên quan đều có quy định xử lý tài sản tham nhũng. Luật lần này muốn có cách xử lý đi vào chiều sâu hơn. Do đó, ban soạn thảo mới đưa ra 3 phương án. Việc chưa chọn phương án nào không có nghĩa là dừng lại.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị): Tiếp tục nghiên cứu để có sự đồng thuận cao nhất

Chú thích ảnh

Những vấn đề chưa xử lý được tận cùng trong luật thì tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp hoàn thiện hơn. Về nguyên tắc, khi các phương án không nhận được sự ủng hộ quá bán thì vẫn phải nghiên cứu tiếp để có sự đồng thuận cao nhất.

Pháp luật hiện hành vẫn xử lý sai phạm bình thường, chỉ có là quá trình bị lâu hơn, nếu quy định ngay trong luật thì xử lý nhanh hơn, dễ hơn, kịp thời hơn. Hiện nay, khi phát hiện tài sản vi phạm vẫn tịch thu, truy tố bình thường.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Nhiều luật đã quy định xử lý tham nhũng

Chú thích ảnh

Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã thảo luận qua 3 kỳ họp rồi, kỳ này được thông qua sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai các giải pháp đồng bộ, chặt chẽ trong phòng chống tham nhũng. Mục tiêu là phòng chống chứ không để xảy ra rồi đi thu hồi tài sản rất nhiêu khê và phức tạp.

Mặt khác, đừng nghĩ công tác phòng chống tham nhũng chỉ dựa vào luật này, như vậy không đầy đủ bởi phòng chống tham nhũng còn bị chi phối bởi các luật chuyên ngành. Không thể quy định tất cả các hành vi tham nhũng trong luật để xử lý bởi đã có luật khác quy định như Luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính…

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Họp báo bế mạc Quốc hội: Quy định xử lý tài sản bất minh cần chờ thêm độ 'chín'
Họp báo bế mạc Quốc hội: Quy định xử lý tài sản bất minh cần chờ thêm độ 'chín'

Tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV trưa 20/11, nhiều phóng viên quan tâm đến việc Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua không có quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN