Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, do đó để tập hợp được lực lượng, vận động được quần chúng; được quần chúng tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, thì người đảng viên, người cán bộ lãnh đạo phải nêu gương.

Chú thích ảnh
Hình ảnh gần gũi, thân thương của Bác Hồ khi gặp gỡ bà con nông dân. Ảnh: Tư liệu.

Trong bức thư gửi đồng chí Pêtơrốp - Tổng thư ký Ban Phương Đông -Quốc tế Cộng sản, (ngày 20 tháng 5 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “… Nói chung các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, do đó để tập hợp được lực lượng, vận động được quần chúng; được quần chúng tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, thì người đảng viên, người cán bộ lãnh đạo phải nêu gương.

Trước hết là phải nêu gương về đạo đức, bởi vì: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”; Nêu gương là nói đi đôi với làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Người cán bộ cách mạng chân chính mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước, cho dân; “khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”; “phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

Để được dân tin yêu, kính trọng, để trở thành “tấm gương sống” cho quần chúng noi theo, người cán bộ phải biết tránh xa những căn bệnh, những thói xấu thường gặp và dễ mắc phải như: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa, bệnh cá nhân chủ nghĩa...và: “Không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là: ham học, ham làm, ham tiến bộ”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt: Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, việc nêu gương được thể hiện chủ yếu qua việc xử lý 3 mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với công việc. Đối với mình: “Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo...Phải siêng năng, tiết kiệm”; luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày; Đối với người: “Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở... Không ghen ghét, đố kỵ”; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, luôn khoan dung, độ lượng; Đối với việc: “Phải suy nghĩ cho kỹ...Phải cẩn thận..”; dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc: “Dĩ công vi thượng”; Phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm. Bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải có sáng kiến, phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết làm cho thành công. Là cán bộ, đảng viên thì không bao giờ được tự cao, tự đại; mà luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm, để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình mới là cán bộ tốt.

Chú thích ảnh
Bác Hồ nói chuyện tại buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương. Ảnh: Tư liệu.

Thứ hai là: Nêu gương phải bằng hành động, việc làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”3. Chính Bác Hồ là tấm gương mẫu mực trong việc khởi xướng, gương mẫu thực hiện phong trào “hũ gạo cứu đói” (1945); Bác đề xuất và tự mình mỗi tuần nhịn ăn một bữa, góp phần gạo vào hũ gạo cứu đói, được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, trở thành phong trào rộng lớn trong cả nước. Nêu gương bằng hành động, nghĩa là người cán bộ phải đi đầu, xông pha vào những nơi ác liệt nhất, gánh vác những công việc khó khăn nhất; giải quyết mọi công việc, từ vận động, tập hợp lực lượng, đến chỉ đạo đến triển khai thực thi nhiệm vụ. Trong quá trình lãnh đạo hay thực thi công việc, người cán bộ đều phải nêu gương, sẵn sàng xông pha đi đầu vào những nơi khó khăn, nguy hiểm, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: Một trong những nguy cơ lớn của Đảng cầm quyền là tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, xa dân, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, cho nên Người căn dặn, việc nêu gương của cán bộ phải được thực hiện trong phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng cũng như đối với quần chúng, phát huy tinh thần làm chủ của mỗi người. Nhiều lần, Người đã phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ không dân chủ, do đó mà nguời có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau (Người gọi là quan chủ), làm cho quần chúng với Đảng xa rời nhau, không còn sáng kiến, không còn hăng hái trong khi làm việc.

Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương đã thể hiện những phẩm chất cao quý về đạo đức và phong cách. Người là bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, nhưng vô cùng khiêm tốn, gắn bó với nhân dân. Vì thế, nhân dân và bạn bè quốc tế thấy Người là vị lãnh tụ tối cao, nhưng rất gần gũi, không hề xa cách; Phong cách của Người thật giản dị, nhưng không hề tầm thường. Cả cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về mọi mặt: Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Tư tưởng và tấm gương của Người mãi tỏa sáng để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta học tập noi theo.

 

PGS.TS.Trần Minh Trường (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về 'Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân'
Tư tưởng Hồ Chí Minh về 'Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân'

Từ khi ra đời vào ngày 3/2/1969 đến nay, tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thật sự đi vào cuộc sống và trở thành tư tưởng chỉ đạo đối với công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, là phương châm hành động, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN