Việt Nam tham dự phiên họp thứ 32 Ủy ban Hải dương học

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 21/6, phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC) đã khai mạc tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm Phó giáo sư, Tiến sĩ Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch Ủy ban IOC Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, cùng đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Chú thích ảnh
Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC). Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Việt Hà hoan nghênh báo cáo của Thư ký điều hành IOC, đánh giá cao vai trò của IOC với tư cách là cơ quan điều phối chính của Liên hợp quốc về các vấn đề khoa học đại dương. Bà khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ IOC củng cố vai trò của mình trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương. Với tư cách thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO, Việt Nam đã đồng bảo trợ dự thảo Nghị quyết của UNESCO về tăng cường nguồn lực bền vững hơn cho hoạt động của IOC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Việt Hà nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng phát triển và hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ biển, xem đó là một trong những giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh việc chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển nền kinh tế đại dương bền vững và ứng phó với các thách thức liên quan đến đại dương, bà Đào Việt Hà cũng thông báo về các dự án hợp tác trong khuôn khổ Tiểu ban IOC khu vực Tây Thái Bình Dương – IOC/WESTPAC tại Việt Nam. Trưởng đoàn Việt Nam kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp tác quốc tế ở tất cả các cấp, tính đến nhu cầu của các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước ven biển dễ bị tổn thương.

Phiên họp diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm thúc đẩy hợp tác quốc tế đa dạng, thực chất về biển, nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, trong đó có mục tiêu thứ 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương. Những bước tiến mới gần đây có thể kể đến là việc thông qua Văn kiện về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia, tiến trình đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, bao gồm vấn đề rác thải nhựa đại dương…

Trong thời gian diễn ra hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ tiếp tục trao đổi về việc triển khai những chương trình, sáng kiến lớn trong thời gian tới, như Thập kỷ Khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững 2021-2030, Báo cáo thực trạng đại dương, Hệ thống quan trắc đại dương toàn cầu, Chiến lược Xây dựng năng lực, đóng góp của IOC đối với lĩnh vực quản trị đại dương của Liên hợp quốc… Đồng thời, hội nghị sẽ tiến hành bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và thành viên Hội đồng điều hành IOC vào ngày 28/06 tới.

IOC là cơ quan trực thuộc UNESCO, có nhiệm vụ điều phối hợp tác quốc tế và phát triển khoa học biển, là cơ quan nòng cốt thực hiện Thập kỷ Khoa học đại dương LHQ vì sự phát triển bền vững 2021-2030. Mục tiêu của Thập kỷ là xác định các kiến thức khoa học đại dương cần thiết vì sự phát triển bền vững; tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức; và sử dụng hiểu biết về đại dương để triển khai các giải pháp phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ Tiểu ban IOC Khu vực Tây Thái Bình Dương, Ủy ban IOC Việt Nam dẫn dắt và tham gia nhiều dự án cấp khu vực về khoa học biển trong khuôn khổ IOC/Westpac như: Dự án nghiên cứu độc tố biển và an toàn thực phẩm; Dự án mạng lưới nghiên cứu axit hóa đại dương; Sáng kiến cứu các rạn san hô.

Nguyễn Thu Hà (TTXVN)
Đại dương 'kêu cứu'
Đại dương 'kêu cứu'

Dưới lòng đại dương đang tồn tại một bóng ma lơ lửng, trôi nổi, có tên gọi là “lưới ma”. Đây là ngư cụ bị bỏ lại đại dương, chiếm một phần đáng kể trong lượng rác thải gây ô nhiễm biển trên thế giới. Trung bình mỗi phút trên thế giới lại có thêm 1 tấn các loại lưới giăng, lồng và bẫy tôm, cua, cá bị vứt hoặc mất hút trong đại dương. "Lưới ma" đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh vật biển, mỗi năm gây ra cái chết của 100.000 cá voi, cá heo, hải cầu và rùa biển. Hơn lúc nào hết, Đại dương đang “kêu cứu”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN