WEF ASEAN 2018: Mạng lưới ngoại kiều của ASEAN, nguồn lực tiềm năng chưa được khai thác

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra tại Hà Nội, Phiên thảo luận về mạng lưới ngoại kiều của ASEAN vừa được tổ chức, tập trung nhấn mạnh vai trò của cộng đồng này trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chú thích ảnh
 Quang cảnh phiên thảo luận "Thúc đẩy tài chính bao trùm ASEAN". Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN

Phiên thảo luận tập trung vào các phân tích về những ảnh hưởng kinh tế của ngoại kiều, những hành lang thương mại mới, đồng thời thảo luận về cách thức khai thác nguồn lực và chất xám của những ngoại kiều muốn trở về đóng góp cho đất nước, đặc biệt về mảng chuyển giao công nghệ.

Các diễn giả có mặt tại Phiên thảo luận đều nhất trí cho rằng, chính phủ cần có những thiết kế chính sách phù hợp nhằm quản trị rủi ro và tận dụng cơ hội khi chào đón cộng đồng ngoại kiều trở về, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã gây ra những thay đổi về mặt kinh tế và xã hội.

Nguồn lực tiềm năng phát triển quốc gia

Tại Phiên thảo luận, ông Jose Isidro Camacho, Giám đốc Credit Suisse khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được đặt tại Singapore, khẳng định tầm quan trọng của mạng lưới ngoại kiều này. Ông cho biết, kiều hối hiện nay đang chiếm khoảng 10% GDP của Philippines. Lượng kiều hối này được sử dụng cho các chi tiêu nội địa hoặc các khoản đầu tư vào lĩnh vực tư nhân. "Cá nhân tôi cho rằng đây được xem là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế ở Philippines", ông  Jose Isidro Camacho, một người gốc Philippines, nhận định. Hiện nay, rất nhiều người đến từ quốc gia này đang làm việc tại các nước phát triển, đặc biệt là ở Thung lũng Silicon và nhiều người trong số họ đã quyết định trở về quê hương, mang theo những công nghệ mới và kỹ năng mới. Họ trở thành những "người tiên phong trong chuyển giao công nghệ, tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế trong nước", ông  Jose Isidro Camacho nói thêm.

"Trong những năm 1990, rất nhiều kiều hối được chuyển về và Ngân hàng thế giới khi đó đã khẳng định, việc sử dụng hợp lý nguồn kiều hối này đã giúp Bangladesh đẩy mạnh phát triển khối doanh nghiệp tư nhân", ông Shahidul Haque, thư ký Ngoại giao Bangladesh nêu ý kiến. "Những ngoại kiều của chúng tôi và cả những người nước ngoài đến đất nước chúng tôi sinh sống và làm việc đã có những đóng góp đáng kể, giúp Bangladesh có những bước tiến vượt bậc về mặt công nghệ và kỹ năng cho người lao động", ông Shahidul Haque nói.

Những rào cản cần xóa bỏ

Mặc dù cộng đồng ngoại kiều có vai trò quan trọng nhưng các diễn giả có mặt đều có chung quan điểm, chính phủ cần có động thái tích cực hơn nữa để khuyến khích ngoại kiều đang mong muốn trở về nước. Những chính sách thuận lợi, môi trường làm việc và đầu tư tốt, hệ thống an sinh-xã hội được đảm bảo, sẽ là những bước khởi đầu để thu hút ngoại kiều. Bà Katrina Coleen Bayog, Giám đốc Tổ chức Kaya Collaborative, một tổ chức phi lợi nhuận của Philippines hướng đến vận động ngoại kiều trở về trong dịp nghỉ hè của họ để tham gia vào các sáng kiến xã hội cho biết: "Những người sinh sống lâu ở nước ngoài, thậm chí thế hệ người nhập cư thứ 2 và thứ 3 đã được sinh ra và lớn lên ở bên ngoài sẽ gặp những khó khăn nhất định khi quay trở về tái hòa nhập với quê hương". Vị Giám đốc trẻ tuổi này cũng nhấn mạnh "nỗ lực của Chính phủ Philippines trong việc bảo vệ công dân của nước mình đang sinh sống và học tập tại nước ngoài" cũng như "việc lồng ghép chính sách nhập cư trong chương trình hành động của chính phủ" sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút nhân tài ngoại kiều.

Giáo sư Lutfey Siddiqi, giảng viên thỉnh giảng Trường Kinh tế và Chính trị Luân Đôn (London School of Business and Political Science) đề nghị tăng cường các chiến lược marketing cho các thế hệ trẻ ngoại kiều. "Chúng ta cần sự kết nối cộng đồng hải ngoại với người dân trong nước. Và marketing hình ảnh đất nước, về chính sách thuận lợi, điều kiện làm việc và đầu  tư hay rộng hơn là hình ảnh một xã hội đa văn hóa, đa dân tộc hài hòa sẽ là chiến lược đúng đắn của Chính phủ để kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng này", Giáo sư Lutfey Siddiqi cho biết.

Trong thời đại 4.0, việc khai thác nguồn lực ngoại kiều trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Những công cụ số sẽ giúp kết nối với lực lượng tiềm năng này. Ngược lại, với kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp, cùng với đó là những công nghệ mới và tiến bộ của ngoại kiều sẽ giúp quốc gia tận dụng được ưu thế của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hồng Anh (TTXVN)
WEF ASEAN 2018: Ứng phó với thách thức về 'Tương lai việc làm ở ASEAN'
WEF ASEAN 2018: Ứng phó với thách thức về 'Tương lai việc làm ở ASEAN'

Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), sáng 13/9 đã diễn ra Phiên thảo luận “Tương lai việc làm ở ASEAN” với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam và các diễn giả nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN