Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam

Thương hiệu du lịch Việt Nam là một phần trong trọng tâm Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, thương hiệu du lịch Việt Nam vẫn còn rất mờ nhạt do chưa có chính sách phù hợp.

 

Cần kế hoạch dài hơi

 

Các chuyên gia tư vấn du lịch quốc tế đều cho rằng: Phải định vị được thương hiệu du lịch quốc gia, sau đó mới có thể có kế hoạch hành động cụ thể. Dù Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng hơn 1 năm nay, ngành du lịch vẫn lúng túng trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Hiện Tổng cục Du lịch mới chỉ đưa ra được logo-slogan (tiêu đề - biểu tượng) du lịch Việt Nam, nhưng đây mới chỉ là “phần ngọn” của chương trình xây dựng thương hiệu. “Việc xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc đưa logo - slogan hoặc đầu tư một cách dàn trải cho hoạt động quảng bá du lịch. Để việc định vị và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam hiệu quả, cần có kế hoạch chi tiết và dài hạn theo hướng chuyên nghiệp”, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường cho biết.

Hội An là điểm sáng du lịch nhờ có cơ chế thu hút người dân tham gia.


Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh nhưng hiện vẫn chưa ai chỉ ra và khẳng định sẽ chọn điểm nhấn nào trong số đó (như ẩm thực, vịnh Hạ Long, biển đảo, đồng quê, sinh thái)… để xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia. Do đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Giám đốc Vietravel đề xuất lấy ẩm thực Việt cho chiến dịch thương hiệu du lịch Việt bên cạnh việc khai thác các giá trị văn hóa, di sản và tài nguyên du lịch như biển - đảo, di tích, làng nghề… Thực tế, nhiều món ăn Việt Nam được lựa chọn Top ẩm thực đáng thưởng thức nhất thế giới nhưng việc quảng bá vẫn trong tình trạng do chính du khách nước ngoài quảng bá hộ.


Nhìn vào các chương trình road show (quảng bá xúc tiến) du lịch của nước ngoài tại thị trường Việt Nam, có thể thấy, các nước có nền du lịch mạnh trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc vẫn đang theo đuổi kế hoạch của họ về các giá trị văn hóa, giải trí, mua sắm, ẩm thực và thực hiện bài bản từ quảng bá trên truyền hình đến tiếp xúc tới từng doanh nghiệp lữ hành. “Kinh nghiệm Thái Lan cho thấy, sau khi chọn slogan ‘Amezing Thái Lan’, mỗi năm họ chọn một sản phẩm để quảng bá làm mới thương hiệu và đẩy mạnh quảng bá trên kênh truyền hình nước sở tại, mời đoàn doanh nghiệp, báo chí đến khảo sát, trải nghiệm. Cụ thể như năm 2010, họ quảng bá du lịch miệt vườn miền đông Thái Lan, sau đó là du lịch y tế - sức khỏe và gần đây là kế hoạch đưa ẩm thực vào Việt Nam, cụ thể nhất là cuộc gặp mặt mang tên Thailand Cuisine to Vietnam Kitchen", ông Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Công ty du lịch Tầm Nhìn, cho biết.

Du lịch ẩm thực là điểm nhấn thu hút khách.


Dù đã được Dự án về phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam do Cộng đồng châu Âu (dự án EU) hỗ trợ xây dựng kế hoạch marketing du lịch nhưng mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Lý giải về vấn đề này, một lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết: “Vấn đề khó nhất ở đây là kinh phí. Trong 3 năm gần đây, kinh phí liên tục bị cắt giảm, đã vậy lại còn chậm, nên một số chương trình xúc tiến quảng bá từ đầu năm đến giờ vẫn trong tình trạng vay nợ, doanh nghiệp ứng tiền trước để làm”, một lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết.


Cơ chế hợp tác


Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Sản phẩm du lịch chính trong thời gian tới của Việt Nam là du lịch biển, văn hóa, sinh thái. Phương thức xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia thực hiện theo chủ trương Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp cùng làm.


Với phương thức này, khi một số doanh nghiệp du lịch đặt lại vấn đề: Ai là nhạc trưởng? Ai là người đứng mũi chịu sào? Và quan trọng nhất là cơ chế, chính sách hoạt động như thế nào?... thì chưa có giải đáp. Ông Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công ty du lịch Tầm Nhìn, chia sẻ: “Cách đây vài năm, đơn vị tôi tham gia chương trình xúc tiến quảng bá du lịch tại Đức nhưng cảm thấy không hiệu quả do cơ chế điều phối giữa các doanh nghiệp tham gia không rõ ràng. Chính vì vậy, những lần sau đơn vị tôi không tham gia mà chọn phương thức khác hiệu quả hơn. Thực tế, các doanh nghiệp du lịch dành kinh phí không nhỏ cho quảng bá sản phẩm, nhưng là đơn vị kinh doanh, chúng tôi quan tâm nhất là hiệu quả đồng tiền bỏ ra. Do đó, quan trọng nhất, muốn doanh nghiệp tham gia, thì cơ chế hợp tác phải như thế nào? Thành quả đem lại được thụ hưởng ra sao? Nhưng điều này chưa nhận được câu trả lời từ cơ quan quản lý”.


“Việc nghiên cứu, theo dõi, điều tra thị trường du lịch phải được làm thường xuyên (ít nhất 1 năm 1 lần) để đánh giá được mức độ hài lòng của du khách đối với sản phẩm, dịch vụ và điểm đến của Việt Nam. Từ đó, các đơn vị có chính sách và phát triển sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, việc này vẫn đang còn bỏ ngỏ”, ông Phạm Trung Lương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết.

Điều này cũng tương tự với du lịch vùng. “Có một thời gian chúng ta rầm rộ quảng bá cho Hạ Long, coi Hạ Long là điểm nhấn của du lịch quốc gia để khuếch trương thương hiệu du lịch Việt Nam. Đây là sự kết hợp giữa du lịch quốc gia và du lịch vùng nhưng để làm được điều này thì địa phương được chọn phải nỗ lực tham gia quảng bá với ngành du lịch, trong đó cốt yếu nhất là đưa ra sản phẩm đặc trưng. Điều này cũng giống như Thái Lan làm với điểm du lịch Phukhet và Indonesia làm với điểm du lịch Bali, Hàn Quốc làm với đảo Jeju. Có điều, ở Việt Nam sự kết hợp không rõ nét, dù hàng năm chúng ta vẫn tổ chức Năm du lịch quốc gia tại từng vùng”, một chuyên gia du lịch nhận xét.


Ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: Trong thời gian qua, do chưa định vị thương hiệu nên việc đầu tư xúc tiến quảng bá chưa đúng hướng. Nếu Tổng cục Du lịch ngừng hoạt động xúc tiến, quảng bá thì khách quốc tế vẫn vào Việt Nam vì họ đến đây chủ yếu qua lời mách bảo của người thân, bạn bè.


“Theo điều tra của hãng ThinkTravel - Google, có tới 60% số người tiếp nhận thông tin qua bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Do đó để du khách thành người truyền bá điểm đến du lịch, trước hết là hãy hứa ít làm nhiều”, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường cho biết.

 

“Việc nghiên cứu, theo dõi, điều tra thị trường du lịch phải được làm thường xuyên (ít nhất 1 năm 1 lần) để đánh giá được mức độ hài lòng của du khách đối với sản phẩm, dịch vụ và điểm đến của Việt Nam. Từ đó, các đơn vị có chính sách và phát triển sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, việc này vẫn đang còn bỏ ngỏ”, ông Phạm Trung Lương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết.


Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN