Đổi mới đánh giá học sinh

Theo các chuyên gia giáo dục, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng giáo dục, cũng như đáp ứng việc đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015.


Mới chỉ dựa vào kiến thức


Phương pháp kiểm tra, đánh giá phổ biến tại các trường phổ thông hiện nay là làm bài kiểm tra trên giấy. Thế mạnh của phương pháp này giúp học sinh thể hiện năng lực trình bày, diễn đạt, kỹ năng giải bài tập... “Tuy nhiên những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như trình bày một vấn đề trước đám đông, xử lý tình huống, độc lập, làm việc theo nhóm... thì không thể hiện được trong phương pháp trên”, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh cho biết.

 

Hướng dẫn học viên “Võ tổng hợp 25 động tác”. Mạnh Linh -TTXVN


"Việc kiểm tra, đánh giá hiện nay ở trường phổ thông chỉ dựa vào các kỳ thi: Tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng, thi học sinh giỏi. Học sinh học cả năm, nhưng để đánh giá năng lực học sinh lại đơn thuần dựa vào những bài thi ấy. Bên cạnh đó, những tiêu chí về sức khỏe, kỹ năng sống, lý tưởng học sinh cũng bị bỏ qua", một giáo viên phổ thông chia sẻ.


Cũng theo giáo viên này, việc đánh giá chú trọng vào kiến thức như vậy đã dẫn đến nhiều hệ lụy như dạy thêm học thêm tràn lan, học sinh chỉ chú trọng học một số môn để thi, mà coi nhẹ các môn học khác... "Cũng vì sự tồn tại quá lâu của phương pháp kiểm tra, đánh giá này, mà các giáo viên gặp rất nhiều khó khăn khi phải đánh giá các hoạt động giáo dục đa dạng khác. Cụ thể, không biết đánh giá các hoạt động giáo dục, đánh giá đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống như thế nào", PGS.TS Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng và khảo thí giáo dục, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết.


Tiếp cận năng lực học sinh


Để phương pháp kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực học sinh thành công, rất cần sự thuần thục của đội ngũ giáo viên. Theo PGS.TS Nguyễn Công Khanh, cần phải nâng cao hiểu biết của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về triết lý đánh giá: Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, đánh giá diễn ra suốt quá trình học tập. "Đánh giá học sinh theo cách tiếp cận năng lực là đánh giá theo chuẩn về sản phẩm đầu ra. Sản phẩm đó không chỉ là kiến thức, kỹ năng, mà chủ yếu là khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng và thái độ cần có để áp dụng vào cuộc sống. Có thể sử dụng các phương pháp khác nhau như: quan sát, phỏng vấn sâu, đánh giá thực hành (bài tập, sản phẩm học sinh tự làm), học sinh tự đánh giá lẫn nhau", PGS. TS Nguyễn Công Khanh chia sẻ.

Hiện nay ở Việt Nam chưa hình thành khoa đào tạo về đánh giá trong giáo dục. Hầu hết ở các trường sư phạm chưa có môn học rèn luyện kỹ năng này cho sinh viên.

GS Nguyễn Đức Chinh, ĐH Quốc gia Hà Nội


Cụ thể, kiểm tra đánh giá trong nhà trường cần sử dụng nhiều phương pháp khác nhau: Thi viết, vấn đáp, trắc nghiệm, làm thí nghiệm, trình bày dự án... Chuyển từ đánh giá chỉ chú trọng vào kiến thức của học sinh sang đánh giá quá trình, cách thức học sinh nắm được kiến thức đó thế nào. Và khi đó, đánh giá học sinh phải hướng tới đến các yếu tố thể hiện các mặt đức, trí, thể, mỹ, tình cảm và xã hội. "Song song với đó chú trọng đến việc phát hiện năng lực từng học sinh. Những kết quả đó phải đảm bảo công khai, công bằng, tôn trọng sự tự đánh giá của học sinh", vẫn PGS. TS Nguyễn Công Khanh chia sẻ.


Còn theo GS. TSKH Lâm Quang Thiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD - ĐT, để thực hiện hoạt động đánh giá trong giáo dục phổ thông có hiệu quả, cần nâng cao khoa học và công nghệ đo lường và đánh giá trong giáo dục.


Trên thực tế, việc kiểm tra, đánh giá theo năng lực học sinh đã được ngành giáo dục tiếp cận trong thời gian qua. Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong những năm gần đây, việc kiểm tra, đánh giá đã được thay đổi trước hết ở cách ra đề thi theo hướng mở, xây dựng được ma trận đề thi để bao quát chương trình học và đánh giá được mức độ của học sinh về năng lực nhớ, hiểu, vận dụng, sáng tạo của học sinh... “Tại nhiều trường học, các kỳ thi tuyển chọn đã đổi mới ra đề với những đề văn mở. Có những đề thi không chỉ là đề văn mà còn giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, nhằm đánh giá kỹ năng tổng hợp, lập luận, năng lực học sinh. Việc ra đề mở cũng yêu cầu giáo viên chấm mở”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ.


Cũng theo Thứ trưởng Hiển, để có một chuẩn kiểm tra đánh giá trong trường học, Bộ đang nghiên cứu và sớm đưa ra những văn bản hướng dẫn chi tiết, tạo bước chuẩn bị những đổi mới chương trình phổ thông sau năm 2015.


Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN