Đừng để công nhân “vuột mất” cơ hội mua nhà ở xã hội

Có đến 90% công nhân lao động ở tỉnh Bình Dương khi được hỏi đều mong muốn được tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất hỗ trợ cho vay dưới 6% để mua nhà ở.

 

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi triển khai chính sách tín dụng đã có hàng trăm công nhân gửi hồ sơ đến các ngân hàng vay mua nhà. Nhưng trên thực tế, hàng loạt hồ sơ đề nghị mua nhà đã không được xét duyệt. Giải thích về vấn đề này, một số ngân hàng tại Bình Dương lý giải đối tượng là công chức, lực lượng vũ trang hưởng lương ngân sách nhà nước thì dễ, còn đối tượng lao động tự do, kinh doanh cá thể, công nhân khi xác định các giấy tờ, thủ tục thì quá khó.

Khu nhà ở xã hội - Chung cư Phú Hòa, tỉnh Bình Dương.Quách Lắm - TTXVN


Bên cạnh đó, một số quy định của các ngân hàng vẫn chưa tạo điều kiện cho người mua nhà. Theo ông Nguyễn Ngọc Việt, Giám đốc Agribank chi nhánh Bình Dương cho biết, trong khi cơ chế cho vay của Agribank, mức tài sản bảo đảm là 70% thì quy định của Ngân hàng Nhà nước với gói ưu đãi lên đến 80% giá trị căn nhà. Nếu cho vay 70% thì không đúng quy định của ngân hàng Nhà nước, mà cho vay 80% thì sai quy chế của Agribank. Vì vậy, đến nay chưa có hồ sơ của người thu nhập thấp nào vay được vốn lãi suất ưu đãi 6% từ chi nhánh Agribank Bình Dương. Ông Nguyễn Đình Phục, Giám đốc chi nhánh ngân hàng Vietcombank Bình Dương cũng cho hay, chưa có đối tượng nào được giải ngân vay mua nhà ưu đãi lãi suất 6%. Nguyên nhân còn vướng thủ tục giữa quy định của hội sở ngân hàng và văn bản của Ngân hàng Nhà nước chưa thống nhất. Ông Phục cho hay, đến nay ngân hàng có giải ngân cho 27 hồ sơ với số tiền cho vay 2,8 tỷ đồng mua nhà ở xã hội, nhưng đó là đối tượng vay lãi suất 11%, còn gói hỗ trợ 6% thì chưa giải ngân được.

Khi những khó khăn, vướng mắc này chưa được giải quyết thì cơ hội sở hữu nhà ở xã hội càng trở nên xa vời đối người lao động.


Trong khi đó, ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Dương, một trong 5 ngân hàng đảm trách giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, cho biết từ ngày 1/6 đến nay, chi nhánh đã hướng dẫn tư vấn cho khách hàng và đã nhận hơn 120 hồ sơ. Qua xét duyệt, chi nhánh đã hoàn tất 20 bộ hồ sơ đủ chuẩn vay vốn ưu đãi theo liên kết 3 bên giữa ngân hàng, đối tượng mua nhà là người có thu nhập thấp và chủ đầu tư nhà ở xã hội là Becamex để giải ngân. Tuy nhiên, theo ông Linh vẫn chưa giải ngân được cho người mua nhà vì còn vướng các thủ tục cần thiết, bởi người lao động phải có giấy tạm trú KT3, có tham gia bảo hiểm hơn 1 năm... Điều kiện ràng buộc này đã gây khó cho hàng vạn người lao động ở Bình Dương.


Qua tìm hiểu của chúng tôi, sau khi bỏ qui định chứng minh thu nhập, các điều kiện để được mua nhà ở an sinh xã hội vẫn còn nhiều thủ tục khác khó đáp ứng. Anh Phan Văn Thắng, công nhân Công ty gỗ Kaiser (khu công nghiệp Mỹ Phước 1, huyện Bến Cát, Bình Dương) cho biết: “Tôi rất muốn mua căn nhà xã hội nhưng không đủ tiền”. Với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, anh có thể mua nhà và trả góp trong vòng 10 năm không? Câu trả lời từ các nhà chức trách là anh Thắng thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội nếu đáp ứng các điều kiện: Phải có giấy tạm trú KT3, có giấy đóng bảo hiểm trên 1 năm. Song anh Thắng mới thay đổi công việc gần 1 năm nay, chưa ổn định nơi ở thì làm gì có giấy tạm trú KT3. Còn anh Lê Văn Đông, quê Nghệ An vào lập nghiệp ở Bình Dương đã lâu nhưng ước nguyện mua nhà ở xã hội của anh Đông chưa thể thực hiện do chưa có việc làm ổn định.


Có thể nói, các quy định này đang khiến những người thu nhập thấp ở Bình Dương nản lòng. Khi những khó khăn, vướng mắc này chưa được giải quyết thì cơ hội sở hữu nhà ở xã hội càng trở nên xa vời đối người lao động.


Về vấn đề trên, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng đã lên tiếng kêu gọi các ngân hàng thực hiện chính sách phải tận tâm, tích cực để dòng vốn hữu ích trên đi đến đúng đối tượng và đáp ứng đúng nguyện vọng của người có nhu cầu mua nhà ở, nhất là những công nhân lao động có thu nhập thấp.


Dương Chí Tưởng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN