Nguy cơ mang tật khi dùng sản phẩm từ động vật hoang dã

Theo thống kê của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD), 61% sản phẩm từ ĐVHD được dùng làm thuốc. Nhiều người tin rằng, những sản phẩm này có khả năng chữa bách bệnh. Điều này càng tiếp tay cho những kẻ săn bắt, buôn bán ĐVHD và đẩy nhiều loài ĐVHD của Việt Nam đến nguy cơ tuyệt chủng gần hơn.

“Chữa lợn lành thành lợn què”


Sau khi bị ngã xe đạp, bà Trần K.T (72 tuổi) ở Thường Tín, Hà Nội được bác sĩ kết luận là chấn thương phần mềm, không bị gẫy xương. Bà đã điều trị bằng cách uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Khi bệnh của bà đã hồi phục được khoảng 80%, một người hàng xóm qua nhà chơi và “tư vấn” cho bà về loại rượu ngâm tay gấu, khi uống sẽ chữa được các chứng đau nhức. Nghe lời “tư vấn”, bà T. uống khoảng 10 ml rượu. Một ngày sau, bà bị tê cứng khắp người và phải đi cấp cứu. Các bác sĩ kết luận, bà T. bị ngộ độc do uống rượu ngâm tay gấu. Bà T. không hỏi kinh hãi nhớ lại: “Sau khi uống, tôi có cảm giác như người mình bị liệt, tay chân không thể cử động được. Cũng may tôi nhập viện kịp thời, nếu không hậu quả thật khôn lường”.

Những bức tranh, ảnh đoạt giải cuộc thi sáng tác về Đa dạng sinh học Việt Nam do Bộ TN - MT tổ chức.


Trường hợp bị ngộ độc như bà K.T. không phải là hiếm. Ông Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, ông đã gặp nhiều trường hợp nhiễm độc do sử dụng thuốc từ ĐVHD, đặc biệt là sử dụng mật gấu. Mật gấu có tác dụng chính là tiêu huyết ứ (tiêu máu bị tụ khi chấn thương). Trong bài thuốc điều trị huyết ứ, mật gấu được dùng để xoa bên ngoài. “Bây giờ, người ta còn pha mật gấu với rượu uống hàng ngày. Việc uống mật gấu tươi có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nhẹ thì mẩn ngứa, nặng thì suy yếu chức năng thận, thậm chí có trường hợp tử vong”, ông Bản cho biết.

Nhân ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên – Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức cuộc thi ảnh và thiết kế logo ĐDSH Việt Nam. BTC đã chọn ra 80 tác phẩm có chất lượng để trưng bày trong lễ mít tinh hưởng ứng ngày Quốc tế về ĐDSH vào sáng 22/5 tại Công viên Bách Thảo (Hà Nội).


Dược sĩ Phạm Hinh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam phân tích thêm, trong y học cổ truyền, mật gấu có tên là “hùng đởm”, có tác dụng chính là hoạt huyết, hành huyết, tiêu huyết ứ, giảm đau. Tuy nhiên, Đông y chỉ sử dụng mật gấu trong chữa bệnh chấn thương ngoài da mà ít dùng để uống, bởi nó có thể gây tổn thương gan, thận, vàng da, chán ăn, mệt mỏi, cơ thể đau nhức. Ngoài ra, mật gấu có thể gây bất lực ở nam giới chứ không phải là tăng cường sinh lí như nhiều người vẫn nghĩ.


Các sản phẩm khác từ ĐVHD cũng không có nhiều tác dụng như nhiều người nhầm tưởng. Chẳng hạn, đối với sừng tê giác, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào chứng tỏ tác dụng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trong việc chữa bệnh ung thư. Còn cao hổ cốt cũng không được chứng minh là có hiệu quả điều trị bệnh viêm khớp xương, loãng xương, chống viêm hay cường dương.


Chung tay bảo vệ động vật hoang dã


Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với hơn 13.000 loài thực vật bậc cao, 1.030 loài rêu, 335 loài thú, gần 900 loài chim, 296 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, hơn 700 loài cá nước ngọt và khoảng 2.000 loài cá biển. Tuy nhiên, ĐDSH ở Việt Nam đang có nguy cơ bị đe dọa do sự sụt giảm mạnh của các loài ĐVHD trong thời gian qua. Nhiều loài đã hoặc sắp tuyệt chủng như tê giác, sao la, voi châu Á (còn khoảng 100 cá thể phân bố nhỏ lẻ), hổ (đã tuyệt chủng về mặt sinh thái, không có bằng chứng về sinh sản)…


Trong giai đoạn 2000 – 2011, cả nước đã phát hiện hơn 17.500 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến quản lí, bảo vệ ĐVHD, tịch thu hơn 199.300 con. Một số vụ bị phát hiện với số lượng lớn được dư luận quan tâm như vụ 18 tấn ngà voi, hơn 100 tấn tê tê và vẩy tê tê, hơn 100 kg sừng tê giác. Phần nhiều trong số đó được mua bán để làm thuốc.


Muốn góp phần bảo vệ các loài ĐVHD, duy trì sự ổn định của ĐDSH ở Việt Nam, cần phải nâng cao nhận thức của người dân về tác dụng thật sự của các sản phẩm từ ĐVHD đối với sức khỏe con người.


Để chung sức bảo vệ loài gấu, TƯ Hội Đông y Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á phát hành cuốn tài liệu “Những cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu” giới thiệu 32 cây thuốc là những dược liệu có sẵn trên khắp các vùng miền của Việt Nam có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả và có thể thay thế hoàn toàn mật gấu. Ông Trần Văn Bản khẳng định: “Tất cả chúng ta đều phải hiểu rằng, bất cứ loại thuốc nào cũng đều phải được bào chế dựa trên nguyên tắc đạo đức, không gây tổn hại đến môi trường và phải nằm trong khuôn khổ của luật pháp quốc gia và quốc tế”.


Bài và ảnh: Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN