Quốc tế “nín thở” chờ Triều Tiên phóng tên lửa

Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên vẫn “căng như dây đàn” và cộng đồng quốc tế đang “nín thở” chờ giờ G với tâm trạng lo ngại về khả năng leo thang chiến tranh trước những dự báo của Hàn Quốc rằng CHDCND Triều Tiên có thể thử tên lửa trong khoảng từ 10-15/4, dù tới nay, Bình Nhưỡng chưa đưa ra tuyên bố nào về việc thử tên lửa.

 

Các hệ thống đánh chặn của Nhật Bản đã sẵn sàng bắn hạ tên lửa Triều Tiên.

Theo giới chức Hàn Quốc, các tên lửa của Triều Tiên được đưa tới bờ biển phía đông đã sẵn sàng trên bệ phóng. Thời điểm phóng có thể là “bất cứ lúc nào” từ nay cho tới ngày 15/4 - ngày Triều Tiên kỷ niệm ngày sinh nhật cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Một số hãng tin quốc tế nhận định thời điểm Triều Tiên “bấm nút” có thể vào ngày 12/4, khi Ngoại trưởng Mỹ và Tổng thư ký NATO cùng có mặt tại Hàn Quốc.


Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se ngày 10/4 nhận định: "Theo thông tin tình báo mà phía Hàn Quốc và Mỹ thu thập được, khả năng Triều Tiên phóng tên lửa là rất cao. Khả năng này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào kể từ thời điểm này". Theo ông Yun, tên lửa mà Triều Tiên phóng có thể là một loại mới của tên lửa Musudan, có tầm bắn 3.500 km. Còn hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cùng ngày dẫn nguồn tin chính phủ nhận định Triều Tiên có thể sẽ phóng nhiều loại tên lửa từ nhiều địa điểm khác nhau.

 

Mỹ-Nhật-Hàn nâng mức cảnh báo


Với nhận định đó, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đang tăng cường giám sát các hoạt động của CHDCND Triều Tiên và đều ở tình trạng báo động cao. Hãng tin Reuters ngày 10/4 cho biết Bộ Chỉ huy Liên quân Mỹ - Hàn đã nâng điều kiện giám sát Watchcon, dùng để theo dõi những dấu hiệu về mối đe dọa nghiêm trọng, từ mức 3 lên mức 2 (mức 1 của Watchcon chỉ được áp dụng trong thời chiến).


Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cùng ngày cho biết Tôkyô đã nâng mức báo động lên mức "đe dọa nghiêm trọng". Ông nói: "Chúng tôi đã ở tình trạng báo động cao nhất kể từ khi triển khai các đơn vị quân đội và sẽ tiếp tục duy trì sự thận trọng này".


Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Nhật Bản sẽ nỗ lực tối đa để bảo vệ tính mạng của người dân nước này, ngăn chặn bất cứ mối đe dọa đối với an ninh của Nhật Bản trong trường hợp Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo.


Ngoài ra, Nhật Bản đã sẵn sàng cung cấp thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương và người dân thông qua hệ thống cảnh báo sớm toàn quốc J-Alert. Trước đó, các tàu khu trục lớp Aegis trang bị tên lửa đánh chặn cũng đã được triển khai ở vùng biển Nhật Bản để chuẩn bị bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu có khả năng rơi vào lãnh thổ Nhật Bản.

 

Công ty du lịch Trung Quốc hủy chuyến sang Triều Tiên


Các công ty lữ hành Trung Quốc ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh ở đông bắc Trung Quốc ngày 10/4 cho biết, chính quyền thành phố đã yêu cầu họ tạm ngừng tổ chức các chuyến du lịch tới CHDCND Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên.


Phát biểu với hãng tin Reuters qua điện thoại, một công ty du lịch cho hay chưa biết khi nào mới được nối lại các chuyến du lịch tới Triều Tiên. Bốn công ty du lịch khác cũng xác nhận đã ngừng các chuyến du lịch vào Triều Tiên từ khu vực biên giới Đan Đông. Tuy nhiên, khu vực biên giới Đan Đông vẫn mở cửa cho các hoạt động giao thương.


Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận việc yêu cầu các công ty lữ hành ngừng đưa khách sang Triều Tiên và cho rằng các công ty lữ hành tự hành động vì lợi ích của họ. Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “Gần đây, một số công ty lữ hành và du khách Trung Quốc đã hủy các kế hoạch du lịch tới Triều Tiên vì thấy tình hình căng thẳng trên bán đảo này. Hiện tại, đường biên giới Trung Quốc -Triều Tiên vẫn hoạt động bình thường”.


Thùy Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN