Thu hút đầu tư vào vùng Tây Bắc: Chưa phát huy được lợi thế

Do địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng yếu kém nên các dự án ODA, NGO đầu tư cho Tây Bắc còn ít về số lượng và nhỏ về quy mô so với các vùng khác trong cả nước. Trong thời gian tới cần tìm ra những biện pháp hữu hiệu, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển vùng, trọng tâm là các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đào tạo lao động…


Đây cũng là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc” vừa được Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỉnh Phú Thọ tổ chức tại Phú Thọ ngày 14/12.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ phải sang) chủ trì Hội nghị chuyên đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc.


Thời gian qua Đảng và Nhà nước đã dành cho Tây Bắc sự quan tâm sâu sắc với nhiều chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân; sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ đang tăng ở nhiều bản làng, bộ mặt nông thôn miền núi đang có nhiều khởi sắc.


Thông qua Hội nghị “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc” là dịp quan trọng để các bộ, ngành, địa phương vùng Tây Bắc thảo luận, phân tích chỉ rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân khách quan, chủ quan về thực trạng môi trường đầu tư kinh doanh của vùng, từng địa phương, nhất là các chỉ số còn thấp như tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý ở địa phương. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp khắc phục.

Đây cũng là dịp tốt để các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, doanh nhân và các nhà quản lý gặp gỡ trao đổi ý kiến tìm ra mô hình thích hợp để thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết hiệu quả và bền chặt, khắc phục những hạn chế của mỗi bên, khai thác tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.


Muôn vàn gian khó


Theo ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đầu tư cho phát triển vùng Tây Bắc là nhiệm vụ luôn được Chính phủ ưu tiên. Cùng với nội lực, các nguồn ngoại lực, trong đó có nguồn vốn, dự án nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, viễn thông… đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc có những khởi sắc mới.


Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo 25,6%, cao gấp ba lần mức bình quân chung, số huyện nghèo nhất chiếm gần 70%, số xã đặc biệt khó khăn gần 50% của cả nước. Nguyên nhân là xuất phát điểm thấp, chất lượng điều hành kinh tế địa phương còn nhiều bất cập, công tác quản lý nhà nước, quảng bá và thu hút đầu tư còn hạn chế, môi trường kinh doanh chưa thuận lợi. Khoảng cách về thu nhập của vùng so với các vùng khác chưa được thu hẹp. Các địa phương trong vùng hầu hết chưa có khả năng tự cân đối ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, lúng túng, hiệu quả thấp, thiếu vững chắc. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn nhiều yếu kém.

Đời sống nhân dân các thôn, bản vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn vùng là 9,64% (giảm 0,69% so với năm 2011); thu nhập bình quân đầu người đạt 18,4 triệu đồng (toàn quốc là 32,8 triệu đồng). Thu ngân sách trên địa bàn đạt 17.177 tỷ đồng, trong khi đó chi ngân sách 79.825 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao 25,6%, toàn vùng có 43/63 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 1.128/2.545 xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, Tây Bắc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc - là những rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội.


Liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng Tây Bắc với các trung tâm phát triển, trước hết là các lĩnh vực phát triển vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm sản; liên kết kinh tế giữa các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; giữa các yếu tố đất đai, sức lao động, vốn đầu tư, công nghệ; giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước… hiệu quả chưa cao. Nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được đầu tư khai thác có hiệu quả. Rừng vốn là nguồn tài nguyên cơ bản, tuy tỷ lệ che phủ tăng, nhưng chất lượng nhìn chung còn thấp, lợi ích đem lại cho chủ rừng không cao và thiếu bền vững. Tình trạng lấn chiếm, phá rừng vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng còn nhiều bất cập.


Việc hình thành và phát triển vùng chuyên canh tập trung phù hợp với lợi thế của các tiểu vùng để tạo ra các sản phẩm hàng hóa chủ lực, có giá trị kinh tế cao, gắn với cơ sở công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn chậm, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh. Ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao trong nông nghiệp cho các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh còn hạn chế. Tăng trưởng công nghiệp, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và đầu tư các dự án thủy điện, lợi ích đem lại cho cư dân sở tại chưa nhiều nhưng đã xuất hiện những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường thiên nhiên và điều kiện sinh sống. Thương mại, xuất nhập khẩu, kinh tế cửa khẩu hiệu quả chưa cao. Tiềm năng du lịch sinh thái lịch sử, văn hóa… chưa được đầu tư, khai thác tốt.


Chiến lược lâu dài


Ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài đặt ra đối với vùng Tây Bắc nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị, Kết luận 26-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020 là: Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng về kinh tế, gắn với đảm bảo an sinh xã hội theo hướng bền vững và đảm bảo quốc phòng, an ninh; phát huy có hiệu quả mối liên kết giữa các địa phương trong vùng, lựa chọn những ngành, lĩnh vực và lãnh thổ có vai trò động lực để tập trung phát triển làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, cung cấp những căn cứ, thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư, kinh doanh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.


Để vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững, tiến tới hòa nhập với sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước, cần huy động mạnh mẽ các nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, yêu cầu có tính chiến lược là phải xây dựng các chính sách đầu tư phù hợp; gắn huy động các nguồn lực trong nước với huy động các nguồn lực bên ngoài; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO; có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút vốn ODA, FDI, vốn trong nước, phát triển hợp tác kinh tế với Trung Quốc, Lào; chính sách kinh tế cửa khẩu, biên mậu…



Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN