Thủ tướng Thái Lan quyết không từ chức

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 2/12 đã kiên quyết bác bỏ yêu sách của phe biểu tình chống chính phủ đòi giải tán quốc hội, thành lập cái gọi là “hội đồng nhân dân” để chỉ định thủ tướng mới. Bà Yingluck đưa ra tuyên bố này trong khi người biểu tình vẫn “hăng máu” tìm cách xông vào văn phòng thủ tướng, buộc cảnh sát phải bắn đạn cao su cảnh cáo.

Cảnh hỗn loạn bên ngoài tòa nhà chính phủ ngày 2/12. Ảnh:thx/TTXVN


Trong bài phát biểu cương quyết trước toàn quốc, bà Yingluck thẳng thắn cho rằng yêu sách của phe đối lập là vi hiến. Một yêu sách cụ thể mà bà Yingluck nói đến là việc lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đòi chuyển quyền lực của thủ tướng cho một “hội đồng nhân dân” thực tế không phải do dân bầu. Tuy nhiên, nữ thủ tướng cũng tỏ thái độ mềm mỏng: “Bất kỳ những gì tôi có thể làm để mọi người hạnh phúc, tôi sẵn sàng thực hiện… Nhưng với tư cách là thủ tướng, những gì tôi có thể làm phải theo hiến pháp”.


Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Thái Lan cũng khẳng định quân đội sẽ trung lập, đồng thời cam kết khôi phục hòa bình cho thủ đô Bangkok.


Bài phát biểu này là câu trả lời chính thức của bà Yingluck cho tối hậu thư mà thủ lĩnh biểu tình Suthep đưa ra trong một cuộc họp bí mật giữa hai người do quân đội thu xếp. Trong cuộc họp, ông Suthep đòi chính phủ từ chức trong 48 giờ và không chấp nhận “mặc cả”.


Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Surapong Towichukchaikul đã kêu gọi các quan chức chính phủ tiếp tục làm việc, bất chấp lời kêu gọi đình công trên toàn quốc của ông Suthep hôm 1/12. Ông Surapong nhấn mạnh rằng người biểu tình không có quyền chiếm giữ các cơ quan chính phủ và làm ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan này. Ông nhận định các cuộc biểu tình kéo dài hiện nay đang tác động xấu tới nền kinh tế nước nhà và làm hoen ố hình ảnh của Thái Lan trên trường quốc tế.


Cũng trong ngày 2/12, Tòa án Thái Lan đã phát lệnh bắt giữ thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban vì tội “nổi loạn” với cáo buộc ông này hoạt động lật đổ chính phủ. Trát bắt giữ ghi rõ với tội này ông Suthep có thể bị kết án tử hình hoặc tù chung thân.


Trong khi đó, làn sóng biểu tình đã bước sang ngày thứ 32 và vẫn không lắng dịu, thậm chí còn có dấu hiệu bạo lực hơn. Cảnh sát đã phải dùng đến đạn cao su vì hơi cay dường như chưa đủ. Lực lượng này đang gắng sức bảo vệ hàng rào quanh văn phòng thủ tướng và trụ sở cảnh sát thủ đô. Họ cũng đặt nhiều khối bê tông để ngăn dòng người biểu tình. Tuy nhiên, người biểu tình đã chiếm một xe tải chở rác để xô đổ ít nhất một lớp hàng rào bằng bê tông quanh tòa nhà chính phủ. Số khác còn ném chai lọ, gạch đá, bom khói vào phía trong hàng rào.


Mặc dù một số trung tâm mua sắm lớn ở Bangkok đã mở cửa trở lại trong ngày hôm qua nhưng nhiều trường đại học và văn phòng vẫn đóng cửa để đảm bảo an toàn cho sinh viên và nhân viên. Trước đó, đã có ba người thiệt mạng và gần 130 bị thương do biểu tình biến thành bạo lực.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN