Số ca mắc và tử vong tại TP Hồ Chí Minh đều tăng trong ngày 19/8

Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tại TP Hồ Chí Minh là 4.425 trường hợp, tăng 694 trường hợp; đồng thời Hệ thống thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận có 307 trường hợp tử vong tại thành phố.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong đợt dịch lần thứ 4 này, TP Hồ Chí Minh đã có tổng cộng 164.342 trường hợp mắc COVID-19; hiện đang điều trị 33.202 trường hợp, trong đó có 1.937 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.302 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Qua điều tra, truy vết, khoanh vùng, đã 5 ngày qua, TP Hồ Chí Minh không phát sinh ổ dịch mới; hiện còn 17 ổ dịch đang diễn tiến.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc trong cộng đồng tăng trong thời gian gần đây có nguyên nhân là người dân chủ động đi xét nghiệm và việc tuân thủ giãn cách ở một số địa phương còn chưa nghiêm ngặt.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm nên số ca mắc COVID-19 có thể tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, nhằm kiểm soát nguồn lây, tiến tới làm sạch "vùng đỏ", TP Hồ Chí Minh đang tiến hành xét nghiệm quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm để sàng lọc F0 trong cộng đồng nên có thể gia tăng số ca mắc COVID-19 trong thời gian tới.

Để giảm thiểu tỷ lệ tử vong, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, hiện ngành y tế đã cụ thể hóa chủ trương của Bộ Y tế về việc điều trị các F0 trong thời gian sắp tới, trong đó tính đến việc triển khai các Trạm y tế lưu động.

Trước mắt, TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị khoảng 400 Trạm y tế lưu động, phù hợp với số lượng F0 tại nhà. Các trang thiết bị thiết yếu gồm tối thiểu 2 bình oxy, máy thở, máy đo SpO2, kit xét nghiệm tại nhà, đặc biệt là túi thuốc. Trong túi thuốc cơ bản sẽ có các loại như hạ sốt, kháng đông, kháng viêm, điều trị virus để triển khai.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị thành lập 400 Trạm Y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà. 

Trạm y tế lưu động này có nhiệm vụ tiếp tục quản lý F0; tư vấn, truyền thông, điều trị tại nhà. Trạm y tế lưu động dự kiến có tối thiểu một bác sĩ, hai điều dưỡng và ba nhân viên hỗ trợ.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, từ 16 giờ chiều ngày 19/8, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh sẽ đưa vào hoạt động 2 số đường dây nóng là 069.652.401 và 02866.822.000, không chỉ để tiếp nhận các ca mất vì COVID-19 mà còn để chăm lo cho người dân, để người dân yên tâm ở tại chỗ. 

Theo đó, đường dây nóng có 4 tổ, người dân có thể nhắn tin hoặc gọi để lực lượng trực nhận thông tin. Ở 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đều có thành viên trong tổ giúp việc này để có thể sâu sát địa phương, phối hợp giúp đỡ người dân ngay tức khắc.

 Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9, Thành phố kêu gọi sự đồng lòng, chung sức của người dân trong phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giãn cách giữa người với người và đồng ý tiêm vaccine ngay khi đến lượt; đồng thời học cách tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe bản thân khi thực hiện cách ly tại nhà từ các nguồn thông tin chính thống, tư vấn của chuyên gia.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh đã giải ngân hơn 900 tỷ đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn
TP Hồ Chí Minh đã giải ngân hơn 900 tỷ đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết qua 2 đợt hỗ trợ, TP Hồ Chí Minh đã giải ngân hơn 900 tỷ đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN