Ký ức bên cầu Cần Thơ

Trung bước chầm chậm thong dong qua phía bờ Vĩnh Long. Gió cứ thổi phần phật từ hạ nguồn sông Hậu tràn về làm tóc anh bỗng chốc rối bời. Anh nghêu ngao câu hát xứ mình bằng tâm trạng phấn khích lạ thường “ …Nghệ Tĩnh mình ơi sông Lam gọi núi Hồng, bạn về theo bạn đào núi ngăn sông…”.

 

Minh họa: Trần Thắng

 

Gần sáu năm rồi anh mới trở lại thăm cầu Cần Thơ, cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á, nhưng cũng chở theo bao kỷ niệm đau buồn – hơn năm mươi người đã bỏ mình tại đây sau một vụ tai nạn bất ngờ. Trung nhớ như in cái ngày định mệnh ấy. Cũng gần đến dịp trung thu, hàng trăm công nhân cứ bàn tán mãi chuyện làm lồng đèn khi làm việc. Vậy mà... họ đã không làm được cái điều tưởng như giản đơn ấy.


Bỗng Trung ngừng hẳn tiếng hát khi bắt gặp một chiếc xuồng nhỏ đang chòng chành, lắc lư cặp mé sông hướng Mỹ Hòa. Trên đó là hàng loạt ngọn đèn cầy cùng chiếc đèn ngôi sao đang lóe lên những sáng tia yếu ớt như đang chống chọi lại cơn gió mạnh đang lùa về càng lúc càng mãnh liệt, ào ạt, vô tình.
- Chị làm gì ở đây? Trung gọi lớn để người phụ nữ trên chiếc xuồng nhận ra sự có mặt của mình. Có lẽ đó cũng là cách trấn an của chính bản thân anh.
- Tôi ra đây để tìm kiếm chồng tôi. Trung thu mà... Tiếng người phụ nữ thật buồn.


Lúc này Trung mới nhận ra khuôn mặt đăm đăm của người ấy sau ánh lửa của hàng loạt ngọn đèn cầy. Trên xuồng, đứa bé trai đang nằm ngủ say sưa trên manh chiếu. Không biết nó thấy gì trong mơ mà thỉnh thoảng cứ cười khì khì. Mẹ nó - Trung đoán vậy - cẩn thận khoác lên người nó một chiếc mền.


- Anh có “quỡn” hôn? Tui kể chuyện cho anh nghe cho đỡ buồn. Tui tên Bảy. Chồng tui hồi “nẵm” làm ở cầu này. Ảnh mất rồi, hôm sập cầu. Mới đó đã sáu năm. Mất lúc gần tới Trung thu, chưa kịp làm đèn cho con tui. Chị khóc nấc lên.


Trăng sáng lèm lẹm. Đêm rất sâu. Gió thổi mạnh. Sóng vỗ ầm ào. Câu chuyện buồn bên cầu Cần Thơ trầm buồn vang lên. Chiếc xuồng con của mẹ con chị Bảy cứ nhún nhảy theo con nước chảy lờ đờ trên sông Hậu. Bóng những trụ cầu hắt xuống lòng sông tạo thành những khoảng tối sáng nhấp nhô lúc ẩn lúc hiện theo con nước cứ xô đẩy nhau. Thỉnh thoảng vài con cá phóng vọt lên mặt nước rồi lại lao mình xuống như một sự cợt đùa làm nỗi đau của chị cứ trào lên. Chị cứ lẩm bẩm cầu nguyện như một người mất trí, lạc lõng cô đơn đang tìm về cõi hư vô, như đang tâm sự cùng chồng, người đã chết trong tai nạn thảm khốc.

 

Đến lúc sinh ly tử biệt mà chị cũng không thể nhìn được tường tận vóc dáng quen thuộc của anh, chỉ còn mơ hồ nhận biết qua tâm linh của người sống và người đã chết. Chị khóc nấc lên như chưa bao giờ được khóc. Nước mắt cứ chảy ướt đẫm khuôn mặt hốc hác bơ phờ. Giọng chị khàn khàn đục đục vang vọng trên sông. Hai tay chị cứ bấu chặt thân xuồng, mắt đăm đăm nhìn về nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm xưa như oán hờn, như tìm kiếm trong cõi vĩnh hằng bóng dáng người chồng chân chất, một chữ bẻ đôi không biết nhưng rất mực yêu thương vợ con, hết lòng giúp đỡ bà con chòm xóm khi tối lửa tắt đèn. Vậy mà …


Thấy mẹ khóc, thằng Hòa thức dậy bò lại gần thỏ thẻ:


- Sao mẹ khóc hoài vậy mẹ?. Nín đi mẹ, chừng nào ba chui từ dưới sông lên về với mình hả mẹ? Con nhớ ba quá. Nói đến đây nó chợt nhận ra sự có mặt của Trung nên nó nín khe.


Chị ôm ghì lấy con nghẹn ngào không nói nên lời. Đôi vai chị cứ run lên bần bật, làm chiếc xuồng nhỏ cũng chao nghiêng. Thằng Hòa còn nhỏ quá nên có biết gì đâu, ngay cả khi người ta choàng lên trán nó chiếc khăn tang màu trắng, nó vẫn cứ cười khì khì. Nhiều người xoa đầu nó khen giống cha như đúc, rồi còn kêu nó ráng học cho giỏi, cố gắng ngoan ngoãn để mẹ nó bớt buồn bớt tủi. Làm gì mà buồn tủi?.

 

Ngày nào ba nó đi làm ở cầu Cần Thơ về cũng ghé ao bông súng của bà nội hái cho mẹ con nó những cọng non tơ, rồi còn bẻ lá ổi, lá xả về nấu nồi xông cho mẹ nó, mua cho nó khi thì cái bánh lá dừa “nhưn” đậu, khi thì đòn bánh tét, lúc gói xôi trái bưởi. Trung thu nào ba nó cũng cặm cụi làm cho nó chiếc lồng đèn ngôi sao, vót trúc đứt tay chảy máu ào ào mà ba nó vẫn cười. Ba nó còn hứa khi cầu Cần Thơ xây xong sẽ mua cho hai mẹ con đồ mới thật đẹp đứng trên cầu ngày khánh thành nhìn về quê nội cho đã mắt. Cây cầu có mồ hôi nước mắt của ba nó và hàng ngàn chú công nhân vất vả làm nên. Vậy mà hổng biết sao mấy năm nay ba nó tự nhiên biến đâu mất làm má nó cứ khóc hoài, nhất là mỗi lần dịp Tết Trung thu. Nhớ thì nhớ, nhưng bụng dạ nó cũng giận ba nó dữ lắm.


Quá khứ ngọt ngào năm xưa tìm về với chị trong lúc này thật cay đắng làm sao. Một đám cưới nghèo diễn ra, không có rước dâu nhưng vẫn vui, vẫn tràn đầy hạnh phúc. Anh cứ ao ước sẽ có một thằng con trai nối dõi tông đường, nhất định anh sẽ đặt tên là Hòa. Anh tên Mỹ, con tên Hòa, Mỹ Hòa là nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Khi nghe tin chị mang bầu, anh nhảy cẫng lên như con nít, hai tay cứ xoa xoa vào bụng chị, nụ cười rạng rỡ trên môi. Ngày đưa vợ đi siêu âm biết chắc là con trai, anh cạo đầu trọc lóc và ăn chay ba tháng bất chấp sự phản đối của mọi người. Thằng Hòa ra đời thật bụ bẫm khỏe mạnh trắng phau giống hệt như ba nó. Hạnh phúc cứ tràn đầy ngôi nhà lá xập xệ ven sông dù kinh tế gia đình ngày càng khó khăn hơn. Chưa khi nào anh lại to tiếng dù hàng ngàn lý do do chị gây nên. Trong đôi mắt thăm thẳm của anh, chị thấy cả một trời hạnh phúc.


Nhưng hạnh phúc ấy đã vuột khỏi tầm với của một người phụ nữ yếu đuối, chân quê. Cái ngày định mệnh ấy đã đến như một lưỡi dao oan khốc khứa vào trái tim mẹ con chị, khứa vào niềm hạnh phúc mong manh một cách tàn độc không thương tiếc. Chị nhớ như in cái ngày đau đớn ấy. Đang ngồi vá lại chiếc quần đã bạc thếch mỏng tang cho anh, tay đưa chiếc võng ni lông cho thằng Hòa đang nằm nghịch chiếc lồng đèn Trung thu ba nó mới làm tối qua. Một tiếng động mạnh vang lên làm rung chuyển cả vùng quê.

 

Ngôi nhà lá của chị chao động mạnh, tiếng la hét cầu cứu vang lên kèm theo những tiếng nổ đinh tai cứ nối tiếp nhau liên tục từ phía công trường. Chị hốt hoảng lao ra khỏi nhà, luống cuống đến nỗi té xuống bờ đê trước cửa. Chạy được một đoạn chị mới sực nhớ ra không ẵm theo thằng Hòa. Vậy là chị tất tả quay lại bồng nó chạy băng băng về phía nhịp dẫn cầu Cần Thơ, nơi ấy có anh đang làm việc. Linh tính như mách bảo có chuyện chẳng lành. Tới nơi chỉ là đống đổ nát hoang tàn. Tiếng la hét, kêu cứu, tiếng răng rắc của sắt thép bê tông, tiếng chân người chạy thình thịch dồn dập, chị mê man không còn biết gì nữa.


Đám tang anh thật thê lương ảm đạm. Anh ra đi mà thân thể chẳng vẹn nguyên. Nhưng với chị và bà con lối xóm, vẫn còn đây khuôn mặt hiền lành chân chất, lúc nào cũng cười cười và đôi mắt đăm đăm rất lạ. Mưa cứ kéo dài, gió từ sông Hậu thổi lên cứ rít ào ào trong giờ tiễn anh về lòng đất lạnh.


Gần sáu năm đã trôi qua. Ngôi nhà lá hôm nào của mẹ con chị giờ đang được dỡ bỏ để thay bằng ngôi nhà tường khang trang ấm cúng từ những tấm lòng thơm thảo gần xa. Tết nào chị cũng có người đến thăm hỏi động viên, an ủi. Vậy mà chị vẫn thấy đau đớn quá, một sự đánh đổi nghiệt ngã đến cháy lòng. Giá như tai họa đừng đến, để chiều chiều trong ngôi nhà lá liêu xiêu ở ven sông Hậu có một người phụ nữ dõi mắt chờ chồng. Có tiếng cười nghịch ngượm của hai cha con người công nhân nghèo lồng lộng trên sông lạnh. Ngọn đèn cầy tí xíu của chiếc lồng đèn ngôi sao cứ sáng lên lẻ loi trong đêm tối mịt mùng. Cả ba con người co ro trong chiếc mền mỏng manh chống chọi với cơn gió lạnh vô tình cứ thổi phần phật vào căn nhà trống. Hạnh phúc biết bao, vậy mà…


Trong cõi hư vô huyền hoặc, Trung chợt nhận ra hàng chục khuôn mặt vừa xa lạ lại vừa rất thân quen. Họ. Những người công nhân xưa đã ra đi mãi mãi để nhịp cầu tiếp nối những nhịp cầu, ước mơ nối liền mơ ước. Trung thấy mình thật bé nhỏ, thật tầm thường trước sự hy sinh lớn lao của họ. Từ phía thành phố hoa lệ Tây Đô, ánh đèn vẫn đang rực rỡ sắc màu.


- Thôi đêm đã khuya rồi, mẹ con tui phải về thôi. Trung thu tới nhớ ảnh quá nên bơi xuồng ra chỗ cũ cho vong hồn ảnh đỡ tủi thân, bớt lạnh lẽo... chị lặng im để mặc những giọt nước mắt lăn dài trong sương lạnh.


Chiếc xuồng nhỏ khuất dần trên sông Hậu. Trước mũi xuồng là chiếc lồng đèn ngôi sao còn le lói những giọt sáng yếu ớt phát ra từ những cây đèn cầy nhỏ xíu đang tắt dần trên sông lạnh.

 

Trương Thanh Liêm

Đàn bà xứ nắng
Đàn bà xứ nắng

Xứ này buồn quá. Buồn đến nỗi chị không kìm lòng được đành thốt lên lời khi ngồi khâu áo cho Khang. Chỉ riêng hình ảnh những người phụ nữ lủi thủi trôi đi trong cái nắng gay gắt của mùa hè, kéo theo chiếc bóng đổ dài xiêu vẹo trên đường cũng đủ làm lòng người nhàu nhĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN