Tỷ lệ thấp học sinh Hà Nội hoạt động thể lực như khuyến nghị của WHO

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, theo nghiên cứu gần đây nhất được thực hiện vào năm 2016 về hoạt động thể lực của học sinh Hà Nội đối với 20.912 học sinh tham gia, cho thấy hoạt động thể lực của học sinh còn thấp, chưa đủ theo khuyến nghị (hoạt động thể lực ít nhất 60 phút/ngày, cả 7 ngày trong tuần).

Trong đó 34,09% học sinh không có ngày nào hoạt động thể lực ít nhất 60 phút. Gần 60% học sinh tham gia hoạt động thể lực từ 1- 6 ngày trong một tuần.  

Chú thích ảnh
Một giờ rèn luyện thể chất của học sinh. Ảnh: Trường Marie Curie

Hoạt động thể lực đóng vai trò quan trọng nâng cao sức khỏe, đặc biệt trong phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm. Hoạt động thể lực với các cường độ khác nhau sẽ giảm thiểu các rủi ro và nguy cơ của bệnh tim mạch, làm giảm huyết áp, cải thiện mức độ tăng cholesterol. Một số lợi ích khác của hoạt động thể lực cũng được ghi nhận như cải thiện sức khỏe tâm thần, cải thiện các hoạt động hàng ngày và tăng tuổi thọ. Ngược lại, nếu thiếu hoạt động thể lực sẽ làm gia tăng nguy cơ tử vong và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường và một số bệnh ung thư.

Gánh nặng bệnh tật do hoạt động thể lực không hợp lý gây ra 2,8% tổng số ca tử vong (12.648 ca tử vong) và 1,5% gánh nặng bệnh tật tính theo DALY (năm sống tàn tật hiệu chỉnh), ước tính tại Việt Nam năm 2010.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị trẻ em trong lứa tuổi 5 - 17 tuổi nên có ít nhất 60 phút hoạt động thể lực hàng ngày để đem lại những lợi ích cho sức khỏe. Ngoài ra, học sinh cũng cần có các hoạt động thể dục thể thao ít nhất 3 ngày/tuần. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tham gia các hoạt động này còn thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh dành thời gian cho các hoạt động tĩnh tại như xem tivi, chơi điện tử lại khá cao. Việc ngồi lâu xem tivi hay chơi điện tử ảnh hưởng đến thời gian dành cho các hoạt động hữu ích như tham gia các hoạt động cộng đồng, hoạt động tập thể tại trường hay thời gian dành cho các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, ngồi lâu cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em đang là một trong những vấn đề nổi cộm.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, để nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia tập thể dục thể thao, đặc biệt là học sinh nữ rất cần đưa nội dung này vào chương trình giảng dạy bài giảng liên quan đến lợi ích của việc tham gia các hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi cũng như những can thiệp trong nhà trường, huy động sự hỗ trợ từ gia đình để đạt hiệu quả cao nhất. Cùng với việc truyền thông tăng cường các hoạt động thể lực cần hạn chế để học sinh ngồi nhiều như xem tivi, chơi điện tử... nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm và tăng cường sức khỏe học sinh.    

Tuyết Mai (TTXVN)
Hà Nội phát triển y tế học đường, nâng cao thể chất cho học sinh
Hà Nội phát triển y tế học đường, nâng cao thể chất cho học sinh

Y tế học đường là một phần không thể thiếu trong trường học, làm nhiệm vụ khám bệnh, theo dõi sức khỏe định kỳ và dự phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN