Cạnh tranh không lành mạnh bên trong hay ngoài Việt Nam đều bị xử lý

Đó là một trong những điểm mới của Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2019. Theo đó, Luật áp dụng “nguyên tắc tác động” thay cho “nguyên tắc lãnh thổ” để điều chỉnh mọi hành vi phản cạnh tranh gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam.

Luật Cạnh tranh 2018 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn kinh doanh và phù hợp với xu hướng, thông lệ quốc tế. Theo đó, “nguyên tắc tác động” đã được áp dụng thay cho “nguyên tắc lãnh thổ” để điều chỉnh mọi hành vi phản cạnh tranh gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam, cho dù hành vi đó được thực hiện tại Việt Nam hay bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang điều tra chính thức vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Đồng thời, đối tượng áp dụng của Luật cũng được mở rộng hơn, không chỉ bao gồm tổ chức, cá nhân kinh doanh, hiệp hội ngành nghề, mà còn bao gồm cả cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Luật Cạnh tranh 2018 được xây dựng trên nguyên tắc kết hợp tư duy kinh tế và tư duy pháp lý trong kiểm soát các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền trên thị trường, tập trung kinh tế. Theo đó, kiểm soát dựa trên đánh giá tác động cạnh tranh của hành vi thay vì “cấm mặc nhiên” dựa trên ngưỡng thị phần.

Ngoài việc sử dụng các chế tài phạt tiền, phạt bổ sung, Luật còn quy định những biện pháp khắc phục hậu quả nhằm khôi phục, cải thiện môi trường cạnh tranh.

Một nội dung sửa đổi quan trọng khác trong Luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là định danh cụ thể cơ quan thực thi. Theo quy định của Luật mới, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh; tiến hành tố tụng cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; giải quyết khiếu nại đối với các quyết định liên quan đến vụ việc cạnh tranh...

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng khác là bộ máy giúp việc của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương với nhiệm kỳ 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại.

Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019, thay thế cho Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11. Từ nay đến trước khi Luật có hiệu lực, Chính phủ có trách nhiệm xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, doanh nghiệp và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật sẽ có khoảng hơn 1 năm để chuẩn bị cho việc áp dụng và tuân thủ Luật Cạnh tranh 2018.

Luật Cạnh tranh 2018 gồm 10 chương, 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Kiểm soát việc bán hàng phá giá
Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Kiểm soát việc bán hàng phá giá

Với 95,28% số đại biểu tán thành, sáng 12/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi) thay thế Luật Cạnh tranh năm 2005. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN