Bình đẳng giới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cuộc sống

Tối 6/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam (Tổ chức nhân đạo quốc tế chống đói nghèo toàn cầu và bất công xã hội), sáng kiến đầu tư cho phụ nữ đã tổ chức diễn đàn về "Bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động".

Đây là hoạt động lấy ý kiến công nhân và người lao động trên cả nước về việc sửa đổi các điều luật liên quan đến bình đẳng giới, đồng thời giúp nâng cao nhận thức của công nhân lao động về bình đẳng giới trong tiến trình sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012.

Chú thích ảnh
Quang cảnh diễn đàn.

Theo ông Ngọ Duy Hiển, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, diễn đàn là hoạt động khảo sát thực tiễn tại các doanh nghiệp trong việc thực hiện bình đẳng giới; làm rõ hơn những quy định của Bộ luật Lao động về bình đẳng trong trả lương; bình đẳng trong cơ hội việc làm, chia sẻ trách nhiệm trong gia đình và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trực tiếp lắng nghe ý kiến người lao động, nhất là lao động nữ, để góp ý vào dự luật sửa đổi của Bộ luật Lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tại diễn đàn, đông đảo công nhân đều đồng tình về việc thực hiện bình đẳng giới sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng công việc và xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Các đại biểu cho rằng hiện nay nhiều phụ nữ đang gánh vác phần lớn trách nhiệm chăm sóc gia đình, làm ảnh hưởng tới cơ hội việc làm và sự phấn đấu của nữ giới trong lao động.

Chú thích ảnh
Chị Lê Thị Phượng, nhân viên hành chính Công ty Cổ phần May Phương Đông phát biểu tại diễn đàn.

Về thời gian làm việc và tuổi nghỉ hưu của nữ giới, chị Lê Thị Phượng, nhân viên hành chính Công ty Cổ phần may Phương Đông, cho rằng nên giữ nguyên hiện trạng để nữ lao động có điều kiện nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình và tái tạo sức lao động. Cụ thể, lao động nữ làm việc 200 giờ/năm và độ tuổi nghĩ hưu là 55.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thúy Hằng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Long Biên, nêu rõ: Không nên thay đổi tuổi hưu và thời gian làm việc của nữ lao động, nhất là đối với những ngành, nghề đặc thù như may mặc, giáo viên giữ trẻ, nhân viên ngành dịch vụ, các ngành độc hại…

Giáo viên giữ trẻ ở tuổi 55 không còn linh hoạt trong việc chăm sóc và trông các cháu, công nhân ngành may mặc ngồi lâu dễ bị bệnh đau cột sống, mắt kém dễ gây tai nạn lao động, nữ lao động 55 tuổi trong ngành dịch vụ không thu hút khách hàng, hiệu quả kinh doanh không cao.

Hầu hết công nhân lao động tham gia diễn đàn đều đồng tình và cho rằng việc giữ nguyên thời gian làm việc và tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc, nhất là đối với công nhân trực tiếp sản xuất trên từng sản phẩm. Tuy nhiên, ở một số ngành, nghề đặc thù như nhân viên quản lý, nhà nghiên cứu khoa học có thể tăng tuổi nghỉ hưu cụ thể theo từng công việc và tình trạng sức khỏe của họ…

Cũng tại diễn đàn, các công nhân lao động còn tham gia nhiều hoạt động đối thoại, trắc nghiệm, đố vui, biểu diễn tiểu phẩm có nội dung về bình đẳng giới, mục tiêu bình đẳng giới, bình đẳng giới trong gia đình, trách nhiệm của gia đình trong luật bình đẳng giới...

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Sinh viên quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới trong lựa chọn ngành nghề
Sinh viên quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới trong lựa chọn ngành nghề

Theo khảo sát của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam trên một số cổng thông tin việc làm lớn nhất Việt Nam thì có tới 20% các quảng cáo tuyển dụng yêu cầu hoặc ưu tiên giới tính nhất định. Trong đó, 70% các quảng cáo chỉ tuyển dụng nam, 30% doanh nghiệp chỉ muốn người lao động là nữ giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN