Cà Mau thiếu vốn khắc phục sạt lở bờ biển nghiêm trọng

Theo khảo sát của cơ quan chức năng, tỉnh Cà Mau hiện có gần 48,5 km bờ biển đang trong tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Công trình kè đoạn Kinh Mới - Đá Bạc đang được thi công.

Trong số khoảng 11,2km bờ biển đã được Trung ương bố trí vốn đầu tư xây dựng công trình kè khắc phục sạt lở, hiện vẫn còn hơn 37km chưa có vốn.

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, mặc dù nhu cầu vốn để khắc phục sạt lở bờ biển Tây là hơn 1.000 tỷ đồng nhưng đến nay Trung ương bố trí vốn cho tỉnh khoảng 528 tỷ đồng, còn lại chiều dài 21,6km đang thiếu vốn. Nguồn vốn đầu tư khắc phục sạt lở bờ biển Đông khoảng 852,8 tỷ đồng, hiện Trung ương bố trí vốn trên 408 tỷ đồng, còn lại chiều dài 15,7km vẫn đang đợi vốn về.

Trước khó khăn về vốn, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ, bổ sung vốn cho địa phương triển khai các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ tuyến đê biển Tây, bờ biển Đông, sạt lở đất ven sông, các khu tái định cư, các khu neo đậu tránh trú bão.

Theo tính toán, giai đoạn 2019-2020, tỉnh Cà Mau sẽ cần nguồn vốn gần 1.300 tỷ đồng và giai đoạn 2020 - 2025 là hơn 707 tỷ đồng.

Ngoài nhu cầu vốn đầu tư công trình kè khắc phục sạt lở bờ biển, tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương xem xét, bố trí vốn khoảng 330 tỷ đồng cho địa phương triển khai dự án trồng rừng phòng hộ ven sông, gây bồi tạo bãi trồng rừng cửa sông, ven biển; dự án đầu tư xây dựng kè cấp bách bảo vệ bờ biển Đông (khu vực cửa biển Rạch Gốc, cửa biển Vàm Xoáy); dự án đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Năm Căn.

Cùng với đó, xem xét hỗ trợ vốn khoảng 238 tỷ đồng cho tỉnh triển khai dự án đầu tư xây dựng kè cấp bách bảo vệ bờ biển Đông, đoạn cửa biển Hố Gùi 3,5km và đoạn cửa biển Hốc Năng 0,5km theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7386/VPCP-KTTH ngày 2/8/2018 về việc xử lý đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công văn số 8792/VPCP-QHQT ngày 13/9/2018 về việc hỗ trợ đầu tư các dự án sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long từ nguồn vốn ODA và Công văn số 7561/BNN-PCTT ngày 27/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bổ sung kinh phí xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển tỉnh Cà Mau.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, địa phương xác định việc phòng, chống sạt lở ven biển, từng bước khôi phục lại rừng phòng hộ rất xung yếu là nhiệm vụ khẩn cấp và cần có giải pháp căn cơ để ổn định lâu dài. Do đó, tỉnh Cà Mau đang tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó với tình hình sạt lở ven biển, ven sông diễn ra phức tạp, nhằm kịp thời hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở cửa biển, ven biển, ven sông, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân trên địa bàn.

Thời gian qua, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng chống sạt lở bờ biển, huy động nhiều nguồn vốn để xử lý, như: vốn Trung ương hỗ trợ, vốn ngân sách tỉnh, vốn của doanh nghiệp...; tỉnh Cà Mau đã áp dụng nhiều giải pháp phi công trình và giải pháp công trình.

Đến nay, tỉnh Cà Mau đã xử lý khắc phục xói lở nhiều vị trí xung yếu ven biển với tổng chiều dài gần 17,9 km tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Hiệu quả mang lại rõ rệt, đó là tạo được bãi bồi phía bên trong và một phần phía bên ngoài kè, khôi phục được hàng trăm héc ta rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển, bờ biển của tỉnh.

Tin, ảnh: Kim Há (TTXVN)
Cần Thơ bàn giải pháp xử lý sạt lở bờ sông Ô Môn
Cần Thơ bàn giải pháp xử lý sạt lở bờ sông Ô Môn

Ngày 2/5, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đi kiểm tra thực tế và họp bàn giải pháp xử lý vụ sạt lở bờ sông xảy ra tại vị trí đang thi công kè chống sạt lở sông Ô Môn (khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn) ngày 24/4 vừa qua. Vụ sạt lở dài 55m, ăn sâu vào bờ 5m, ảnh hưởng đến 11 căn nhà của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN