Chấn chỉnh việc bán nước sinh hoạt với giá cao ở Lạng Sơn

Từ tháng 4/2023 đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) bức xúc khi phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Điều đáng nói, có hộ dân đã liên hệ trực tiếp với một đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Lạng Sơn để “đàm phán” mua nước sinh hoạt với đơn giá cao gấp nhiều lần mà không có bất cứ một giấy tờ mua bán, hoá đơn nào.

Để có nước sử dụng cho gia đình gồm 4 người, chị N.K trú tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc phải xoay xở tìm mọi mối quan hệ để mua nước sinh hoạt. Theo chị K kể lại, chị được bạn bè giới thiệu đến ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng Chi nhánh Thoát nước đô thị thuộc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn. Sau khi thoả thuận, hai bên thống nhất mua bán một xe nước tương đương 7 mét khối với giá 1 triệu đồng.

Chị N.K cho biết, xe nước được chở bằng loại xe chuyên phun rửa đường và tưới cây xanh đô thị. Sau khi mua xong, gia đình thanh toán tiền nhưng không thấy bên bán đưa cho bất kỳ phiếu mua bán hay hóa đơn nào. Nói về chất lượng nước sinh hoạt được đựng trong những phương tiện đó liệu có đảm bảo, chị K chia sẻ: Đặt trong tình huống gia đình bị thiếu nước để sinh hoạt hằng ngày thì việc có nước sử dụng đã là tốt rồi chứ không nghĩ đến vấn đề chất lượng.

Trong vai người có nhu cầu muốn mua nước sinh hoạt, phóng viên đã gọi điện trực tiếp đến ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng Chi nhánh Thoát nước đô thị, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn. Vẫn với giá 1 triệu đồng/xe/7 mét khối nước, ông Phong còn thông tin: “Giá như vậy là hỗ trợ công ty để thực hiện thôi chứ để kinh doanh là không có lãi vì còn trả công cho anh em công nhân vận hành, xăng xe chở nước của đơn vị”.

Qua tìm hiểu được biết, từ tháng 4/2023 đến nay, nhiều khu vực xã Hợp Thành (huyện Cao Lộc), khu Mỹ Sơn (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn), khu đô thị Phú Lộc 4 (phường Hoàng Văn Thụ)… đều xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Tại những khu vực này, nước về bể không đều, ngắt quãng, gây bức xúc trong nhân dân.

Tại Quyết định số 1614/QĐ-UBND ngày 22/8/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn về giá tiêu thụ nước sạch đô thị trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và thị trấn các huyện quy định: đơn giá nước sinh hoạt cho các hộ dân cư sử dụng từ 1 mét khối đến 10 mét khối nước/tháng là 8.600 đồng. Như vậy, việc bán nước sạch với giá 1 triệu đồng/xe/7 khối nước của Chi nhánh Thoát nước đô thị là cao gấp hơn 10 lần so với giá của UBND tỉnh đã quy định.

Trao đổi với Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Lạng Sơn, ông Phương Mạnh Hào khẳng định, Công ty không có chủ trương bán nước sạch mà không có hóa đơn chứng từ; việc mua bán nước chỉ là hỗ trợ người dân và giá bán 1 triệu đồng/xe/7 khối nước như vậy là quá cao.

Ông Phương Mạnh Hào thông tin thêm, Chi nhánh Thoát nước đô thị là đơn vị tự hạch toán kinh doanh, có pháp nhân và con dấu độc lập. Việc bán nước với giá cao thì số tiền thu về như nào, xử lý ra sao, có đưa vào sổ sách hay không, Công ty sẽ kiểm tra, xử lý. Qua đây, Công ty sẽ có ý kiến nhắc nhở với ông Nguyễn Hồng Phong cùng các anh em. Nếu phải hỗ trợ những trường hợp hộ dân bị mất nước thì phải tính toán, coi đó là phục vụ, cố gắng ở mức giá chấp nhận được, có thể là khoảng 500 nghìn đồng để bà con đỡ chi phí quá lớn.

Về tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nhiều khu vực địa bàn huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Lạng Sơn lý giải, nguyên nhân là do nguồn nước từ khu vực hồ Nà Tâm (xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) không đủ cung cấp cho nhà máy xử lý nước; cùng với việc một số tuyến đường ống bị vỡ chưa được khắc phục để cấp nước cho các hộ dân dẫn đến tình trạng thiếu nước kéo dài. Để giải quyết việc này, Công ty đã có báo cáo và đề xuất với các đơn vị chuyên môn của tỉnh Lạng Sơn để nghiên cứu, cho phép sử dụng nước từ một số đập, hồ chứa xung quanh địa bàn.

Nguyễn Quang Duy (TTXVN)
Tìm giải pháp để huyện đảo Lý Sơn có nguồn nước sinh hoạt bền vững
Tìm giải pháp để huyện đảo Lý Sơn có nguồn nước sinh hoạt bền vững

Vào mùa nắng nóng, lượng nước ngầm trên đảo Lý Sơn thường sụt giảm và nhiễm mặn gây nhiều khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ngãi đang tìm các giải pháp để Lý Sơn sớm có nguồn nước sinh hoạt bền vững phục vụ hiệu quả đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN