Điện Biên chủ động phòng, chống băng giá cho gia súc, gia cầm

Ông Đào Đức Thụy, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên cho biết: Do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường, từ ngày 16/12 khu vực tỉnh Điện Biên đã xảy ra rét đậm, rét hại ở vùng núi cao.

Người dân ở xã Thanh Chăn, huyện Điên Biên, tỉnh Điện Biên chăm sóc trâu trong đợt rét. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Khả năng từ ngày 17 - 21/12, rét đậm (nhiệt độ trung bình ngày từ 13 - 15 độ C), rét hại (nhiệt độ trung bình ngày dưới 13 độ C) xảy ra trên diện rộng. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét đậm, rét hại này khoảng từ 7 - 9 độ C. Riêng khu vực đèo Pha Đin (thuộc tỉnh Điện Biên và Sơn La) và vùng núi cao nhiệt độ khoảng từ 3 - 5 độ C và có khả năng xuất hiện băng giá. Cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 1.

Tại khu vực lòng chảo Mường Thanh, không chủ quan với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, công tác phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm đang được người dân tại các xã vùng biên giới của huyện Điện Biên thực hiện rất tích cực. Trước đây, người dân địa phương xã biên giới Thanh Chăn thường có thói quen chăn thả trâu, bò lên rừng để bớt công chăm sóc, hái cỏ, mặc cho thời tiết diễn biến xấu. Những năm gần đây, thói quen trong chăn nuôi gia súc đó đã được loại bỏ.

Bà Cà Thị Cúc, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên cho biết: "Gia đình tôi có 5 con trâu, bò. Từ khi biết thông tin có rét đậm, rét hại, gia đình đã không thả rông gia súc ra bãi, lên mé rừng vì sợ trâu bò sẽ chết. Chỉ thả gia súc khỏi chuồng khi trời ấm, không mưa và cho gia súc ăn đúng buổi, thêm lượng thức ăn để tăng đề kháng cho gia súc".

 "Gia đình có nuôi hai con trâu trưởng thành, một đàn lợn và đàn gia cầm hàng chục con. Trời rét thế này việc chăm sóc gia súc đã được gia đình chú ý hơn bằng việc không thả rông, không cho trâu ra ruộng cày bừa. Hằng ngày cho trâu uống nước sạch, pha thêm muối. Chuồng nhốt trâu thì được quây bạt, che chắn kín gió, đêm đến thì đốt them đống củi sưởi ấm cho trâu", chị Lò Thị Liên, bản Pom Mỏ, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chia sẻ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp tỉnh Điện Biên, năm 2017 tổng đàn gia súc của tỉnh đạt hơn 580.000 con, trong đó đàn trâu có hơn 125.000 con, đàn bò hơn 62.000 con, đàn lợn gần 400.000 con; Đàn gia cầm có hơn 3.830.000 con. Diện tích nuôi trồng thủy sản có hơn 2.226.000 ha.

Để phòng, chống với rét đậm, rét hại, giảm thiểu sự thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi, đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các sở, ngành, đơn vị, các địa phương, thị xã, thành phố đã thường xuyên cập nhật diễn biến không khí lạnh, thông tin kịp thời để người dân, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa chủ động phòng tránh. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc củng cố chuồng trại, chen chắn, giữ khô nền, ấm chuồng và đảm bảo vệ sinh chuồng trại; tuyên truyền, vận động người dân chủ động dự trữ thức ăn tinh và thô đảm bảo phòng chống đói, rét cho đàn gia súc; đưa về nơi trú tránh, không thả rông gia súc, gia cầm. Chỉ đạo việc hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây vụ Đông, cây ăn quả và các loại cây khác để đảm bảo sinh trưởng và phát triển.

Hải An (TTXVN)
Xuất hiện băng mỏng ở vùng cao Tủa Chùa, Điện Biên
Xuất hiện băng mỏng ở vùng cao Tủa Chùa, Điện Biên

Tại tỉnh Điện Biên, do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục tăng cường, nền nhiệt độ trên địa bàn tỉnh Điện Biên giảm mạnh, đặc biệt là nhiệt độ tại các xã vùng núi cao đang xuống rất thấp và có chiều hướng giảm mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN