Doanh nghiệp Đồng Nai 'khát' lao động chất lượng cao

Với chủ trương thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, nhu cầu lao động có trình độ, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật ở Đồng Nai rất lớn.

Nhu cầu lớn về cử nhân, kỹ sư tại Đồng Nai vẫn cao, song nghịch lý là doanh nghiệp không tuyển được người làm được việc. Nhiều người dù có bằng đại học, cao đẳng song thực tế không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Công ty TaeKwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai) hiện có 35.000 lao động. Khoảng 5 năm qua, doanh nghiệp liên tục mở rộng sản xuất, nhu cầu tuyển người luôn ở mức cao, riêng năm 2017 tuyển trên 2.000 người.

Trước đây, trong thông báo tuyển dụng của Công ty TaeKwang Vina luôn cần những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, song những năm gần đây, công ty chỉ tuyển công nhân phổ thông. Sau tuyển dụng, với lao động giản đơn, công ty đào tạo khoảng một tuần, những lao động đòi hỏi kỹ năng, trình độ thì đào tạo từ 1 – 3 tháng. Ngoài ra, trung bình mỗi năm, Công ty TaeKwang Vina gửi khoảng 10 người ra nước ngoài tham gia các khóa học về quản lý, kỹ thuật.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TaeKwang Vina cho biết, công ty có khoảng 6.000 lao động trình độ chuyên môn cao, chịu trách nhiệm vận hành máy và làm quản lý.

Trước đây, khi tuyển vào vị trí như quản đốc, vận hành máy, tự động hóa, cơ khí, công ty đưa ra điều kiện phải có bằng tốt nghiệp đại học, song đa số những kỹ sư, cử nhân được đào tạo ở các trường trong nước không đáp ứng được yêu cầu, hầu hết đã nghỉ việc. Từ đó, công ty không đòi hỏi bằng cấp nữa. Lao động kỹ thuật cao mà công ty đang có lúc trước là lao động phổ thông, qua thực tế sản xuất, họ làm quen với các loại máy, công ty cử đi đào tạo nên trình độ được nâng lên.

Ông Phúc nói: “Người tốt nghiệp đại học ở Việt Nam được trang bị nhiều kiến thức chuyên môn – làm thầy thì tốt, còn kỹ năng làm việc, vận hành các loại máy, sử dụng trang thiết bị thì hạn chế. Nếu cần thầy, Công ty TaeKwang Vina đã có đội ngũ chuyên gia người nước ngoài, còn khi tuyển dụng, công ty không tuyển kỹ sư chỉ biết lý thuyết, thiếu kỹ năng làm việc. Để được trọng dụng trong doanh nghiệp nước ngoài, người lao động nên theo học ở các trường nghề uy tín”.

Theo Công ty Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, tỉnh Đồng Nai), từ đầu năm 2017 đến nay, doanh nghiệp ra thông báo tuyển hàng chục vị trí kỹ sư các ngành điện, tự động hóa, cơ khí song đến nay vẫn chưa tuyển đủ. Có người vào làm việc được một thời gian, song không đảm đương được công việc nên phải nghỉ. Điều này do trong trường đại học, họ học nhiều lý thuyết, ít được thực hành, không biết sử dụng, vận hành các loại máy hiện đại; trình độ ngoại ngữ hạn chế.

Ông Lê Nhật Trường, Trưởng Phòng nhân sự, Công ty Pousung Việt Nam cho biết: “Cần người có trình vận hành máy, Công ty Pousung Việt Nam có thể tuyển lao động phổ thông, sau đó sẽ đào tạo song công ty muốn tuyển người tốt nghiệp đại học vì họ đã có kiến thức nền, việc đào tạo dễ dàng hơn.

Vấn đề của những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng ở Việt Nam là ngoại ngữ yếu, điều này cần sớm khắc phục. Hệ thống máy, trang thiết bị thường xuyên thay đổi, khi chuyển giao kỹ thuật, công ty cần người có trình độ để tiếp nhận, nhu cầu lao động kỹ thuật cao, giỏi ngoại ngữ rất lớn”.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cao của doanh nghiệp, Đồng Nai đã triển khai chương trình đào tạo công nhân trình độ cao theo chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế.

Đến nay, tỉnh đã lựa chọn được hàng trăm sinh viên tham gia các lớp cao đẳng nghề theo tiêu chuẩn của Đức tại Trường Cao đẳng Nghề quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành – tỉnh Đồng Nai). Tỉnh khuyến khích người lao động học các nghề như cơ khí, điện tử, tự động hóa. Dự kiến tới năm 2020, Đồng Nai có khoảng 90.000 lao động có trình độ; trong đó có trên 1.000 người đạt chuẩn quốc tế.

Đồng Nai có nhiều trường đại học, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng nghìn kỹ sư, cử nhân. Các trường báo cáo, 80 – 90% sinh viên ra trường có việc làm, tuy nhiên, đây chỉ là thống kê từ cơ sở đào tạo, chưa có đánh giá độc lập. Thực tế, nhiều người dù tốt nghiệp đại học nhưng vẫn phải làm những công việc giản đơn, lãng phí nguồn nhân lực.

Ông Mai Văn Nhơn, Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, Chiến lược của Đồng Nai là phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nhu cầu nhân lực có trình độ ngày một tăng.

Với sự tài trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, Đồng Nai đã mời các chuyên gia của Nhật sang phối hợp với các trường đại học biên soạn, cập nhật lại giáo trình giảng dạy. Trang bị cho sinh viên các kỹ năng, tác phong làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tỉnh vận động doanh nghiệp cho học viên, sinh viên vào thực tập, làm quen với trang thiết bị mới.

Doanh nghiệp cần lao động chất lượng cao – chất lượng cao không thể hiện ở bằng cấp mà là kỹ năng làm việc. Tuy nhiên, các trường ở nước ta nặng về lý thuyết. Người học thiếu máy, trang thiết bị để thực hành, khi vào doanh nghiệp không làm được việc.

Để giải quyết vấn đề này, các trường phải chủ động liên kết với doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ. Những người đang ngồi trên ghế nhà trường cần thấy được nhu cầu của thị trường lao động, định hướng rõ nghề nghiệp cho bản thân để có hướng phấn đấu phù hợp.

Công Phong (TTXVN)
Nhiều ngành sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng cao
Nhiều ngành sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng cao

Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 6 ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN