Hơn 100 ha 'vàng đen' tiêu tan sau mùa mưa

Đợt mưa kéo dài những tháng qua đã khiến hơn 100 ha tiêu của nông dân bị “chết trắng” vườn, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, mất nhà vì không có tiền trả ngân hàng. Bao hy vọng về cây “vàng đen” của bà con chỉ sau mùa mưa đã tiêu tan.

Theo báo cáo nhanh của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, thời gian qua mưa kéo dài đã khiến hàng chục diện tích cây tiêu và các cây trồng khác bị hư hại nghiệm trọng. Cây trồng bị ngập hại chủ yếu là lúa nước, cà phê, tiêu, cây ăn quả khác. Nhưng chỉ có cây tiêu là thiệt hại nặng nhất, không thể khôi phục, khiến nhiều hộ dân mất trắng sau mùa mưa.

Chú thích ảnh
Cả vườn tiêu chết trắng, dân không biết lấy tiền đâu trả nợ.

Về địa bàn xã Ia Hrung (huyện Ia Grai), một vùng đất được xem là thuận lợi để phát triển cây tiêu và hứa hẹn sẽ giúp nhân dân nâng cao thu nhập, chỉ sau một mùa mưa năm 2018, bao hy vọng về cây “vàng đen” đã tiêu tan.

Ngậm ngùi bên vườn tiêu chết trắng của mình, ông Đào Văn Duyến (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) nói: “Sau khi nghiên cứu, tôi đã thế chấp nhà và đất để vay vốn đầu tư hơn 1.000 cây tiêu. Sau 2 năm chăm bón, vườn tiêu xanh tốt của tôi sẽ vào vụ thu hái chính thức khoảng tháng 12 năm nay. Nhưng đợt mưa kéo dài gần 3 tháng đã khiến cho vườn tiêu hơn 1.000 trụ của tôi bị “xóa sổ”. Bao hy vọng thu tiêu để trả nợ ngân hàng nay cũng tiêu tan. Giờ tôi đã phá bỏ vườn tiêu để trồng lại cà phê và xen canh bắp, vớt vát lại và kiếm cơm cho cả gia đình…”.

Bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng, gia đình bà Lê Thị Liên (Thanh Hà 1, xã Ia Hrung) chán nản khi nhìn vườn tiêu chết. Bà Liên cho biết: “Chỉ trong một tuần của tháng 8 thì vườn tiêu đã chết sạch. Vườn tiêu có khoảng 1.300 cây với thời gian trồng từ 2, 3, 4 năm đủ cả. Năm ngoái tôi cũng thu được khoảng 200 triệu. Nhưng năm nay mới là vụ chính thức, nhưng tiêu lại bị úng nước chết trắng vườn. Giờ tôi cũng không có vốn đề đầu tư cây trồng khác, phần lo trả nợ ngân hàng…”.

Chú thích ảnh
Dân nhổ tiêu trồng cà phê.

“Để đầu tư vườn tiêu này tôi đã vay tiền ngân hàng để mua giống, phân bón và đầu tư… chỉ mong thu tiêu để có tiền trả nợ. Giờ tiêu chết hết vườn tôi đang loay hoay không biết trồng cây gì thay thế, mà nợ ngân hàng thì gần đến hẹn…”, bà Liên tâm sự.

Theo báo cáo của UBND xã Ia Hrung, tình hình thiệt hại trong cơn bão số 4 gây úng nước cho các cây trồng trên địa bàn xã là khoảng trên 50 ha. Cụ thể, 29,7 ha cây cà phê và 36ha tiêu. Nếu tính về thiệt hại nặng và ảnh hưởng đến kinh tế của bà con thì cây tiêu nặng nhất vì có nhiều hộ “chết trắng”, không thể khôi phục.

Qua thống kê của Phòng NN&PTNN huyện Ia Grai, chỉ riêng cây tiêu là hơn 50 ha và con số này đang tiếp tục tăng do hết mưa thì cây tiêu mới bắt đầu chết dần.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Lân Hưng, Trưởng Phòng NN&PTNN huyện Ia Grai cho biết: “Sự việc tiêu chết hàng loạt trên địa bàn là có thật. Sau khi nắm bắt thông tin thì đoàn liên ngành đã xuống nắm thông tin, thống kê số lượng thiệt hại. Đồng thời, hướng dẫn bà con tập trung giải tỏa dòng chảy, tránh tích tụ nước để cứu cây…”.

Tương tự, huyện Chư Sê cũng có hơn 150 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó hơn 50 ha đã chết. Nguyên nhân ban đầu dẫn đến việc cây hồ tiêu chết hàng loạt là do mưa kéo dài, nước không thoát kịp làm rễ cây bị ngập úng rồi thối. Khi trời chuyển nắng, cây hồ tiêu bị vàng lá, héo úa, rụng quả. Từ khi thấy triệu chứng lá hồ tiêu bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ 1 - 2 tuần.

Theo Dân trí
Lâm Đồng: Sạt lở đất, hơn 10 ha cà phê đang thu hoạch nguy cơ mất trắng
Lâm Đồng: Sạt lở đất, hơn 10 ha cà phê đang thu hoạch nguy cơ mất trắng

Ông Trần Đức Tài, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trong nhiều ngày qua, trên địa bàn huyện xảy ra tình trạng sạt lở đất trên diện tích người dân đang canh tác cà phê. Hiện tượng bất thường này vẫn chưa dừng lại, ước tính trên 10 ha cà phê đang thu hoạch bị ảnh hưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN