Liên tiếp các vụ tai nạn thương tâm do trẻ em rơi từ nhà chung cư

Trong thời gian qua, tại TP Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tâm do trẻ em ra lan can căn hộ chung cư, nhà cao tầng và bị rơi xuống đất tử vong. Những vụ việc đau lòng này cảnh báo về sự mất an toàn cho trẻ đang sinh sống tại các căn hộ chung cư, nhà cao tầng.

 

Chú thích ảnh
Người dân rào thêm khung sắt khu vực ban công tại căn hộ chung cư tại New Saigon-Hoàng Anh Gia Lai 3, huyện Nhà Bè. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Nhiều vụ việc thương tâm

Ngày 23/12/2018, bé gái N.Q.A 5 tuổi tử vong tại chỗ khi rơi từ tầng 9, căn hộ block A, chung cư Thủ Thiêm Sky, đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày xảy ra tai nạn, cha mẹ của bé do bận việc nên đưa con đến gửi ông bà nội đang sống tại chung cư Thủ Thiêm Sky. Nhưng do ông bà cũng đang bận việc, chưa về nhà ngay được nên người mẹ mở cửa căn hộ, để con lại rồi khóa cửa đi. Theo nhận định của cơ quan điều tra, nhiều khả năng bé gái hiếu động đã leo lên bệ đỡ ở gần ban công căn hộ và trượt chân rơi xuống đất.

Tương tự, ngày 12/12, sau khi đưa tiễn người ông vừa qua đời, bé L.H.H (5 tuổi) được mẹ để ở nhà một mình rồi đi chợ. Bé đã chạy ra ban công khu tập thể 137 Ngô Gia Tự, Quận 10, để chơi và bị rơi xuống vỉa hè tử vong.

Nhiều người chứng kiến sự việc cho biết, nhìn thấy bé L.H.H đứng một mình trên tầng 5 của căn nhà và rất gần lan can nên định thông báo cho người dân sống tại đây, nhưng chưa kịp chạy lên thì cháu đã trườn ra ngoài rồi trượt chân rơi xuống.

Gần đây nhất vào ngày 1/1/2019, một bé trai 4 tuổi người nước ngoài đã tử vong sau khi rơi từ tầng cao xuống ban công tầng 8 chung cư River Gate, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Vụ việc đau lòng này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn cho trẻ nhỏ tại các chung cư, nhà cao tầng, đặc biệt là ở khu vực lan can, ban công, cửa sổ. Nhìn lại các vụ tai nạn kể trên cho thấy phần nhiều do trẻ con chơi đùa ở khu vực lan can hay đi tìm người thân khi gia đình chủ quan, bỏ con trẻ ngủ hoặc ở nhà một mình.

Sự việc cũng khiến nhiều người e ngại về mức độ chuẩn an toàn xây dựng của các chung cư, tòa nhà cao tầng, cũng như nhận thức của người lớn trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ nhỏ. Vì thế, đã đến lúc cần xem lại vấn đề an toàn tại ban công hay cửa sổ ở chung cư, nhà cao tầng. Gia đình có con nhỏ khi chuyển tới các căn hộ trên cao cần kiểm tra về điện, nước, gas, lối thoát hiểm và nhất là khu vực ban công, cửa sổ. 

An toàn xây dựng và ý thức của người lớn

Chú thích ảnh
Chung cư, nhà cao tầng đang được xây dựng ngày càng nhiều ở quận 2 để giải quyết nhu cầu về chỗ ở của người lao động. Ảnh: Thanh Vũ /TTXV

Theo chia sẻ từ một số người dân đang cư ngụ tại các chung cư cao tầng, những gia đình có con nhỏ nên chọn các nhà đầu tư, đơn vị thầu xây dựng có uy tín và kiểm tra kỹ trước khi vào ở. Nếu chưa thấy an toàn thì nên kiến nghị với Ban Quản lý tòa nhà hay chủ đầu tư để gia cố nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ông Nguyễn Đức Thành, sống tại block A chung cư Hoàng Anh Gia Lai (Quận 7) cho rằng, ngoài vẻ thẩm mỹ, các ban công hay cửa sổ chung cư, tòa nhà cao tầng cần bảo đảm an toàn, đồng thời dễ dàng thoát hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn.

Nhiều gia đình có con trẻ tại các chung cư, nhà cao tầng cũng thừa nhận, những đứa trẻ hiếu động có thể tìm cách leo ban công hay cửa sổ nhà mình. Vì thế giải pháp trước mắt là dùng lưới rào ban công hoặc lắp thêm cửa kính, hàng rào sắt ôm lấy phần trước ban công, cửa sổ; tháo dỡ bàn ghế, võng… để ở khu vực ban công, tiềm ẩn nhiều hiểm họa.

Đại diện một chủ đầu tư căn hộ tại Quận 2 cho biết: Các vụ trẻ em rơi từ lan can, ban công căn hộ chung cư, nhà cao tầng hết sức đau lòng. Có nhiều nguyên nhân như tâm lý hiếu động của trẻ, ý thức người lớn chưa cao khi không đóng chặt cửa, trông giữ con không cẩn thận. Ngoài ra có thể kể đến khả năng lan can thiết kế chưa đủ chiều cao an toàn hoặc công trình mới xây xong, chưa hoàn thiện, chưa nghiệm thu nhưng đã cho người dân vào ở. Về thiết kế, chủ đầu tư, đơn vị thi công phải đảm bảo các thông số, yếu tố an toàn trong xây dựng, trong đó có hạng mục lan can, ban công; có các giải pháp công trình đảm bảo an toàn cho cư dân sinh sống tại các căn hộ.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, đại diện Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo tình trạng mất an toàn tại các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 có chiều cao lan can không bảo đảm an toàn, không được cải tạo. Điển hình như chung cư khu Ngô Gia Tự (Quận 10), chung cư khu Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3)… có lan can xây bằng bê-tông hoặc khung sắt thưa, thấp, hoen rỉ nên trẻ rất dễ leo trèo, té ngã.

Cũng theo đại diện Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, tiêu chuẩn xây dựng chung cư, tòa nhà từ tầng 9 trở lên bắt buộc phải theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 05:2008. Cụ thể, phần lan can ở ban công hoặc lô gia có chiều cao từ 1,4 m; vật liệu xây dựng phải bảo đảm tiêu chuẩn như khoảng giữa các thanh sắt không rộng quá 10 cm,  kính lắp đặt phải là kính chịu lực, không làm cầu nối cho trẻ dưới 5 tuổi đu, trèo qua lan can…

Thực tế hiện nay ở một số chung cư, tòa nhà cao tầng có thiết kế ban công cao từ 1m - 1,4 m với những thanh sắt được thiết kế ngang dọc, khe hở giữa các thanh sắt khá rộng, trẻ hiếu động có thể leo trèo hoặc chui người qua.

Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, lan can chung cư, nhà cao tầng phải có độ cao từ 1,4 m trở lên, khoảng cách giữa các thanh sắt dọc của lan can không quá 10 cm, không sử dụng lan can là những chấn song nằm ngang vì trẻ dễ leo trèo, rất nguy hiểm. Các căn hộ nên làm thêm khung bảo vệ cửa sổ, cao khoảng 1/2 khung cửa để trẻ không thể leo ra ngoài. Các cửa chính, cửa sổ cần phải có chốt khóa an toàn để trẻ không mở được; tuyệt đối không được kê giường, tủ, bàn ghế cạnh cửa sổ; không được để đồ ngoài ban công khiến trẻ con trèo lên cửa sổ, gây tai nạn.

Trong khi đó, các chuyên gia tâm lý cho rằng, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình, nhất là các em nhỏ, tuyệt đối không được trẻ dưới 6 tuổi ở nhà một mình, vì tâm lý không thấy người lớn, trẻ thường hoảng sợ, lo lắng và hay tìm cách thoát ra ngoài để tìm người thân.

Thanh Vũ – Xuân Tình (TTXVN)
Khi có động đất, chung cư cao tầng Hà Nội có chịu được rung lắc?
Khi có động đất, chung cư cao tầng Hà Nội có chịu được rung lắc?

Dư chấn động đất tại Trung Quốc khiến nhiều chung cư Hà Nội 'đung đưa nhẹ'. Sự việc này khiến cư dân sống tại các nhà cao tầng cảm thấy lo lắng. Các chuyên gia xây dựng nói gì?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN