Lộ trình nào cho người đi xe máy?

Chủ trương phân vùng hạn chế xe máy trong nội đô nhằm giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường đến năm 2030 đang nhận được nhiều ý kiến quan tâm của dư luận, nhất là đề xuất thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội khẳng định, thành phố chỉ hạn chế hoạt động của xe máy khi đủ các điều kiện.

Lộ trình như thế nào?

Thực hiện lộ trình hạn chế xe máy đến năm 2030, Sở GTVT Hà Nội đề xuất với Thành phố 2 đề án. Thứ nhất, là đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030, trong đó có phương án dừng đăng ký mới xe máy, tiến tới cấm xe máy càng sớm càng tốt. Đề án thứ 2 là thu phí các phương tiện vào trung tâm dễ gây ùn tắc.

Chú thích ảnh
Xe máy ken đặc trên tuyến Láng Hạ - Lê Văn Lương.

Cụ thể, những tuyến đường, khu vực nào đủ điều kiện về phát triển cơ sở hạ tầng và phương tiện vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân thì sẽ hạn chế hoạt động của xe máy. Từ nay đến năm 2030 (tức là chỉ còn khoảng 11 năm), thành phố sẽ thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện) về niên hạn, chủng loại phương tiện, phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, dừng hoạt động đối với xe máy trong các quận nội thành.

Giai đoạn từ nay đến hết năm 2020, Sở GTVT Hà Nội tham mưu Thành phố tập trung quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT; quản lý số lượng, chất lượng phương tiện và phát triển vận tải hành khách công cộng; áp dụng các phương án hạn chế xe cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Từ năm 2020 – 2030, từng bước hạn chế hoạt động của xe cá nhân trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy, trong đó, ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng để đảm bảo đáp ứng từ 30 - 35% tổng nhu cầu đi lại năm 2020 và từ 50 - 55% năm 2030, giao thông tĩnh đạt từ 3 - 4%.

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho biết, thành phố hiện có 33 tuyến đường thường xuyên ùn tắc, không chỉ vào giờ cao điểm. Với tốc độ tăng trưởng phương tiện so với tốc độ tăng trưởng hạ tầng đang không cân xứng như: Tốc độ phát triển 10% với ô tô và 8% xe máy/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng diện tích mặt đường chỉ đạt 0,39%, chiều dài 1,3 %/năm (tương đương khoảng 5,5 triệu xe máy, gần 500.000 ô tô), thì nếu không thực hiện ngày các giải pháp căn cơ, giao thông nội đô sẽ sớm “vỡ trận”.

Ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển GTVT) nhận định, tác động của ùn tắc giao thông gây thiệt hại cho Hà Nội khoảng từ 1 - 1,2 tỷ USD/năm, chưa kể ảnh hưởng về xã hội, sức khỏe do ô nhiễm không khí, thời gian đi lại của người dân và môi trường đầu tư, cũng như các vấn đề phát triển xã hội khác. Dự báo, vào năm 2030, Hà Nội sẽ đạt ngưỡng trên 10 triệu dân, với mật độ dân số tập trung quá đông ở nội đô, thì giải bài toán hạn chế xe máy là cấp thiết.

Ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng trước

Trong bối cảnh trên, Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, đề xuất các giải pháp quản lý xe cá nhân, hạn chế xe máy là bước đi phù hợp với xu thế phát triển thế giới và yêu cầu đặt ra từ thực tế. Tuy nhiên, cần giải thích rõ về nội dung, cách làm, lộ trình... để người dân đồng tình.

Chú thích ảnh
Buýt nhanh BRT đi sang cả làn xe máy để "thoát thân" trên đường Lê Văn Lương.

Thời điểm này, Hà Nội nên ưu tiên phát triển dịch vụ vận tải công cộng trước, trọng tâm trước mắt là tạo nên một mạng lưới cho người đi bộ liên thông, thuận tiện, an toàn, sạch sẽ, thân thiện với môi trường. Tại Hà Nội, có thể nghiên cứu dành thêm không gian mặt đường trên một số hành lang rộng rãi như các tuyến đường Nguyễn Trãi – Quốc lộ 6, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh… để làm vỉa hè cho người đi bộ.

“Các đô thị được quy hoạch và thiết kế với mục đích cuối cùng là để phục vụ con người và đi bộ là một trong những nhu cầu cơ bản, phổ biến nhất của người dân. Không thành phố nào có thể xây dựng các tuyến vận tải hành khách công cộng đến tận nhà, bởi vậy, đi bộ hoặc đi các phương tiện khác đến nhà ga vận tải công cộng là phổ biến. Sau khi đã điều chỉnh một phần không gian đường phố cho vỉa hè, sẽ tiếp tục ưu tiên, nâng cấp chất lượng vận tải hành khách công cộng trên các trục chính; các tuyến đường thường xuyên ùn tắc như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Lê Văn Lương…”, ông Trần Hữu Minh cho hay.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định, việc thực hiện lộ trình hạn chế xe máy đã được Chính phủ, các Bộ, ngành,địa phương nghiên cứu và đã áp dụng từng bước, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định xe máy hiện tại đang phục vụ hơn 85% nhu cầu đi lại của người dân, vì vậy, việc quản lý và kiểm soát sử dụng xe máy cần phải được xây dựng và triển khai song song với quá trình hoàn thiện năng lực và chất lượng của dịch vụ vận tải công cộng. Để có thể quản lý, kiểm soát sử dụng xe cá nhân hiệu quả, Bộ GTVT đã xây dựng đề án Phát triển hợp lý các phương thức vận tải đô thị. Theo đó, trong các khu vực đô thị có mật độ cao, với cự ly đi lại ngắn, ở Hà Nội khoảng 40% số chuyến đi có cự ly dưới 2 km, thì cần phải phát triển và khuyến khích người dân sử dụng xe đạp và đi bộ, còn phương tiện vận tải hành khách công cộng thì dành cho các chuyến đi có cự ly dài hơn. Như thế sẽ giúp giảm được số chuyến đi mà người dân buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân, kể cả xe máy.

Bài, ảnh: Đăng Sơn/Báo Tin tức
Cảnh ùn tắc vào giờ cao điểm tại hai tuyến đường Hà Nội dự kiến cấm xe máy
Cảnh ùn tắc vào giờ cao điểm tại hai tuyến đường Hà Nội dự kiến cấm xe máy

Thành phố Hà Nội đang xem xét lựa chọn 1 trong 2 tuyến đường là Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi để thí điểm dừng hoạt động xe máy. Hiện nay, vào các khung giờ cao điểm, hai tuyến đường này thường xuyên trong tình trạng ùn tắc, các phương tiện nối đuôi nhau nhích từng chút một.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN