Nhiều thách thức về Phát triển con người và xóa đói giảm nghèo

Việt Nam đang có nhiều tiến bộ về Phát triển con người và giảm nghèo đa chiều, nhưng vẫn còn những thách thức trong việc giảm bớt chênh lệch giữa các vùng, miền và nhóm dân cư, thu hẹp khoảng cách giới, cũng như giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến phát thải carbon dioxide và đa dạng sinh học.

Đây là thông điệp được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra tại Hội thảo công bố Các chỉ số Phát triển con người: Cập nhật số liệu thống kê năm 2018 của Việt Nam, chiều 17/10 tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có thể tự hào về tiến bộ đạt được trong giảm nghèo đa chiều, giúp 6 triệu người thoát nghèo trong 4 năm, từ năm 2012 đến năm 2016, theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Thách thức đặt ra là cần giải quyết tình trạng nghèo thâm căn cố đế, tập trung ở các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trong các vùng địa lý khó khăn.

“Với chỉ số Phát triển con người tăng 1,41% từ năm 1990, Việt Nam chỉ còn 4 bậc để vào nhóm các nước có mức Phát triển con người cao. Nếu tăng cường nỗ lực giảm chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân cư, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm vào nhóm các nước có mức Phát triển con người cao”, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.

Theo tài liệu “Các chỉ số Phát triển con người: Cập nhật số liệu thống kê năm 2018 của Việt Nam” cho thấy, chỉ số Phát triển con người của Việt Nam thuộc nhóm Trung bình cao. Với chỉ số 0,694 trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 116 trong tổng số 189 nước (cùng xếp hạng năm 2016). Việt Nam chỉ cần đạt thêm 0,006 điểm để nâng hạng lên mức Phát triển con người cao.

Trong chỉ số Phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt trong lĩnh vực y tế và giáo dục nhưng tăng trưởng chậm về thu nhập. Tuổi thọ kỳ vọng của Việt Nam là 76,5 năm, đứng thứ hai ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, sau Hàn Quốc. Số năm đi học trung bình của Việt Nam là 8,2 – cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Số liệu thống kê nghèo đa chiều toàn cầu năm 2018 cho thấy, những tiến bộ quan trọng trong việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 1 về giảm nghèo. Chỉ số nghèo đa chiều của Việt Nam là 0,0197 và đứng thứ 31 trong tổng số 105 nước. Tỷ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam là 5%, cao hơn hầu hết các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, chỉ sau Thái Lan (0,79%) và Trung Quốc (4,02%).

Tiến bộ trong Phát triển con người ở Việt Nam đi kèm với mức tăng khá thấp về bất bình đẳng so với các nước trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Chỉ số bất bình đẳng điều chỉnh theo phát triển con người tương đương với 17,3% giảm giá trị trong chỉ số phát triển con người do bất bình đẳng, thấp hơn tỷ lệ trung bình của nhóm các nước có mức Phát triển con người trung bình (25,1%) nhưng cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (15,6%). Đây là mức trung bình toàn quốc, còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền và các nhóm dân cư. Báo cáo Phát triển con người của Việt Nam năm 2015 chỉ ra khoảng cách lớn về chỉ số phát triển con người giữa các tỉnh và thành phố. Chẳng hạn, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có chỉ số phát triển con người tương đương với các nước thuộc nhóm Phát triển con người cao như Ba Lan và Croatia, trong khi Hà Giang và Gia Lai có chỉ số phát triển con người bằng với các nước thuộc nhóm Phát triển con người thấp như Ghana và Guatemala.

Về Chỉ số Bất bình đẳng giới, Việt Nam đứng thứ 67 trong tổng số 160 nước, với Chỉ số Bất bình đẳng giới là 0,304, gần mức trung bình của các nước trong nhóm Phát triển con người cao (0,289). Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách về giáo dục, trong đó có sự khác biệt 11,5% giữa phụ nữ và nam giới trong cấp trung học. Cùng với việc tăng tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học các ngành khoa học, toán, cơ khí và xây dựng (hiện tại là 15,4%), Việt Nam sẽ có thể tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cập nhật số liệu chỉ số phát triển con người năm 2018 cũng cung cấp cho các nước số liệu về các lĩnh vực rừng bao phủ, phát thải carbon dioxide và các tỷ lệ tử vong liên quan và đa dạng sinh học. Việt Nam xếp thứ 7 trong tổng số 181 về rừng bao phủ, nhưng xếp trong nhóm thấp nhất về phát thải carbon dioxide (80 trên 189 nước) và Chỉ số danh sách đỏ (165 trên tổng số 189 nước). Đây là những lĩnh vực cần ưu tiên giải quyết...

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
UNDP công bố báo cáo 'Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam'
UNDP công bố báo cáo 'Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam'

Gia tăng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng nguồn tài chính tư nhân trong nước là những mục tiêu hàng đầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN