Ninh Thuận: Người dân khổ sở vì nước sinh hoạt bốc mùi bùn non, rong rêu

Người dân các địa phương ở tỉnh Ninh Thuận đang khá lo lắng vì nước sinh hoạt được Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận cấp có mùi rong rêu, mùi bùn non rất khó chịu.

Chú thích ảnh
Ban Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận kiểm tra nguồn nước từ sông Dinh đưa vào nhà máy xử lý nước Tháp Chàm.

Lo chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân buộc chi thêm tiền mua nước lọc đóng chai từ các cơ sở sản xuất để uống và phục vụ sinh hoạt.

Theo nhiều hộ dân ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, trước đây nước sinh hoạt không có mùi, khoảng một tháng trở lại đây, mặc dù nước không vẩn đục nhưng có mùi rong, không thể sử dụng để sinh hoạt được. Ông Nguyễn Văn Bửu, ở phường Phủ Hà, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cho biết: “Nước có mùi không thể dùng sinh hoạt được, nấu sôi cũng có mùi, nấu để pha trà hay pha cà phê bán cho khách uống cũng không được. Những ngày qua, gia đình phải mua nước bình lọc để uống, pha chế…, nói chung cũng tốn kém và phiền hà." 

Việc nước sinh hoạt có mùi đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có đông công nhân và người lao động. Ngay tại Công ty may Tiến Thuận, lo ngại mùi vị nước sinh hoạt làm ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân, Ban giám đốc Công ty phải tăng chi tiêu mua nước lọc để phục vụ nấu nướng bếp ăn tập thể, sinh hoạt cho hàng trăm công nhân hằng ngày.   

Trong khi người dân ở nội thành lo lắng nước có mùi rong rêu, thì  người dân ở các huyện như: Ninh Phước; Thuận Nam; Ninh Hải; Ninh Sơn lại lo lắng vì nước sinh hoạt có mùi bùn non, không sử dụng được. Đa phần người dân tự mua nước đóng chai từ các cơ sở sản xuất để uống.

Ông Đinh Viết Sơn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận cho biết: Trước đây, nguồn nước sinh hoạt cấp cho khoảng 82.000 hộ dân ở địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam và Ninh Sơn rất ổn, đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định nước sinh hoạt. Đến nay, người tiêu dùng phản ánh nước có mùi lạ, không thể sử dụng cho sinh hoạt là đúng, bởi thực tế hiện nay do tình hình khô hạn xảy ra nên dẫn đến tình trạng thiếu nước nguồn cung cấp cho nhà máy nước xử lý.

Nguồn nước đầu vào được lấy từ Đập Nha Trinh - Lâm Cấm (sông Dinh), sau đó chuyển qua nhà máy nước Tháp Chàm có công suất 65.000 m3/ngày, đêm để xử lý và cấp cho dân sinh hoạt. Tuy nhiên do hạn kéo dài, thiếu nguồn cung cấp, phải đặt ống xuống sâu dưới sông lấy nước, nước đọng lâu dưới sông phát sinh rong rêu, tảo nên dù việc xử lý có thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy trình nhưng vẫn không thể khử hết mùi. 

Ông Sơn cho biết thêm, thực tế nguồn nước cung cấp cho nhà máy xử lý nước Tháp Chàm là nước được xả từ hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng). Nhưng hiện nay lượng nước của hồ Đơn Dương chỉ còn hơn 17 triệu m3/165 triệu m3, không đủ cung cấp nên rất khó cho việc lấy nước xử lý cấp cho người dân sinh hoạt. Mặc dù vậy, Công ty vẫn thực hiện việc xử lý nước theo đúng quy trình, xử lý gấp đôi hóa chất nhưng nằm trong ngưỡng cho phép.
 

Chú thích ảnh
Nhân viên phòng hóa nghiệm của Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận xử lý nước tại nhà máy xử lý nước Tháp Chàm.

Công ty yêu cầu tổ hóa nghiệm của nhà máy xử lý nước hằng ngày, hằng giờ phải thực hiện test nước, trong đó lưu ý nhất là hai chỉ tiêu về Ecoli và Coliform; đồng thời gửi mẫu xuống Trung tâm Y tế Dự phòng (Sở Y tế) để test 13 chỉ tiêu còn lại. Nước tuy có mùi nhưng vẫn xử lý theo đúng quy trình cho phép, chất lượng nước không thay đổi. Kết quả các chỉ tiêu sau test của Trung tâm Y tế Dự phòng vẫn công nhận nước đạt tiêu chuẩn quy định.

Công ty thường xuyên xả nước, vệ sinh và làm sạch đường ống chính để xóa đi rong rêu bám vào ống gây mùi nước. Song do hàng nghìn mét đường ống dẫn nước cộng với lượng phân bổ, cấp nước nhiều địa bàn nên không thể một sớm, một chiều thực hiện vệ sinh hết đường ống.  Công ty Cổ phần cấp nước vẫn thể hiện tinh thần và trách nhiệm, không để tình trạng dịch bệnh xảy ra bởi nguồn nước do Công ty cung cấp, ông Sơn khẳng định.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã thành lập đoàn công tác, thường xuyên tiến hành kiểm tra tình hình nước sinh hoạt của người dân tại các địa phương; đồng thời rà soát lượng nước tại các hồ chứa để điều tiết, cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân với phương châm: “Không để người dân thiếu nước sinh hoạt”. 

Để đảm bảo nguồn nước thô phục vụ cho nhà máy xử lý, đảm bảo chất lượng nước đáp ứng cho người dân sinh hoạt, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, đơn vị cấp nước thô cho Công ty Cổ phần cấp nước rà soát lượng nước các hồ chứa, đưa nước từ hồ sông Sắt và một số hồ khác xả xuống sông Dinh cấp cho nhà máy nước Tháp Chàm xử lý.

Nhờ nguồn nước thô được cấp từ các hồ chứa, lượng nước sông Dinh bắt đầu tăng lên và đã đẩy được phần nào rong rêu trôi qua đập Nha Trinh - Lâm Cấm, hạn chế được mùi rong rêu và mùi bùn trong nước, đáp ứng cơ bản lượng nước xử lý, cấp cho người dân sinh hoạt.    

Vì tình trạng khô hạn ở địa phương có thể tiếp tục kéo dài, thiếu nước nguồn nên Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận cũng rất đề phòng, theo dõi chất lượng nước hằng giờ, hằng ngày. Bên cạnh đó, thường xuyên lấy mẫu nước gửi về Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 - Tổng Cục đo lường chất lượng tại Thành phố Hồ Chí Minh để test các thành phần có trong nước, nhằm có hướng xử lý kịp thời.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận cũng đang có phương án đầu tư mua sắm công nghệ máy móc tiên tiến, hiện đại để xử lý nước, đặc biệt là xử lý nước ngay tại cửa sông (cửa lấy nước thô) sau đó đưa qua hệ thống của nhà máy tiếp tục xử lý, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ cho người dân sinh hoạt tốt nhất.

Bài, ảnh: Công Thử (TTXVN)
Bỏ ngỏ chất lượng nước sinh hoạt ở các chung cư Hà Nội
Bỏ ngỏ chất lượng nước sinh hoạt ở các chung cư Hà Nội

Chất lượng nước sinh hoạt đang là vấn đề trăn trở của cộng đồng cư dân sống tại nhiều chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nước sinh hoạt chưa đảm bảo đang tác động trực tiếp tới đời sống, sức khỏe, tinh thần cùng nhiều hệ lụy khác cho hàng nghìn hộ dân sống tại các chung cư ở Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN