Quản lý cư trú tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Thúc đẩy chuyển đổi số vì lợi ích người dân

Từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú (sửa đổi) năm 2020 có hiệu lực thi hành. Theo đó, Luật Cư trú 2020 quy định thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Dù nhiều khó khăn, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và lực lượng Công an Thành phố nói riêng đã có nhiều giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện công tác chuyển đổi số trong công tác quản lý cư trú.

Chú thích ảnh
Xếp hàng làm căn cước công dân tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Bảo đảm thực hiện tốt Đề án 06

Ngay sau khi phê duyệt triển khai hai dự án: Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, ngày 6/1/2022, Chính phủ triển khai đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, nhìn đến năm 2030" - gọi tắt là Đề án 06.

Nắm bắt được tầm quan trọng của Đề án 06, Công an TP Hồ Chí Minh xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, đồng thời phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an, giúp người dân giảm thủ tục hành chính và tiến tới xây dựng thành công Chính phủ điện tử.

Với đặc thù có số lượng dân cư thường trú, tạm trú lớn nhất cả nước, nhiều biến động, áp lực công việc đối với Công an Thành phố là rất lớn, song cán bộ, chiến sỹ được phân công thực hiện nhiệm vụ này luôn trong tâm thế sẵn sàng "làm hết việc, không hết giờ", không quản ngày đêm và không kể ngày nghỉ để kịp thời phục vụ người dân một cách tốt nhất. Công an Thành phố đã mở nhiều điểm cấp căn cước công dân cố định tại trụ sở Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các quận, huyện; tổ chức các tổ cấp căn cước công dân lưu động để đến tận nơi phục vụ người dân có hoàn cảnh khó khăn hoặc khó khăn trong đi lại,...

Thượng úy Trần Đình Trọng, Cảnh sát khu vực thuộc Công an phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ này, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. Thượng úy Trần Đình Trọng đã thực hiện hơn 300 lượt tuyên truyền trực tiếp và trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, lồng ghép trong các cuộc họp chi bộ khu phố, tổ dân phố về Đề án 06 của Chính phủ; trực tiếp vận động hơn 1.000 trường hợp người dân tham gia làm căn cước công dân gắn chíp.

Cùng đồng đội của mình, Thượng úy Trần Đình Trọng đã tham gia cấp căn cước công dân hơn 5.000 lượt người dân tại điểm cấp lưu động ở phường Hiệp Bình Chánh. Anh trực tiếp tham gia cấp căn cước công dân tại nhà cho 15 trường hợp già yếu, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đi lại được; Cấp tài khoản định danh điện tử cho 350 trường hợp, hướng dẫn người dân tạo tài khoản đăng ký hồ sơ cư trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến và hướng dẫn kích hoạt trên ứng dụng VneID. Trong việc thu thập dữ liệu dân cư, Thượng úy Trần Đình Trọng đã gửi 1.451 phiếu DC01 (phiếu thu thập thông tin dân cư) để xác minh tới địa phương khác; tổng hợp, phân loại số DC01, DC02 (phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư) gửi về; bàn giao về Đội Quản lý về trật tự xã hội hành chính, Công an thành phố Thủ Đức 8.118 phiếu DC01, DC02.

Công an Thành phố thường xuyên mở các đợt cao điểm cấp căn cước công dân gắn chíp. Mới đây ngày 8/5/2023, Công an Thành phố mở cao điểm nước rút cấp căn cước công dân gắn chip điện tử đối với hơn 115.000 trường hợp chưa được cấp. Trong cao điểm này, Công an Thành phố đã cam kết với lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Thành phố sẽ hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân trên địa bàn đến hết ngày 31/5. Tính đến đầu tháng 4/2023, Công an TP Hồ Chí Minh đã cấp hơn 7,1 triệu căn cước công dân gắn chíp điện tử và 1,8 triệu tài khoản định danh điện tử.

Ứng dụng hiệu quả thông tin cư trú  

Nhờ khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, TP Hồ Chí Minh đã có kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến rất ấn tượng mà không cần công dân xuất trình sổ hộ khẩu, số tạm trú, giấy xác nhận thông tin cư trú. Cụ thể, ngày 29/10/2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã ra mắt Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố, liên thông kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Tính đến ngày 10/3, Thành phố đã triển khai 1.542 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, dịch vụ công trực tuyến toàn trình: 313 dịch vụ; dịch vụ công trực tuyến một phần: 1.229. Số lượng hồ sơ đã xử lý từ ngày 29/10/2022 đến ngày 10/3 có 65 lĩnh vực gồm 49.843 hồ sơ được giải quyết trên Cổng dịch vụ công Thành phố.

Trong công tác quản lý lưu trú, đến nay, 18 đơn vị đã xây dựng “Kế hoạch triển khai mô hình điểm triển khai thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận thông báo lưu trú tại khách sạn, các cơ sở lưu trú” và đẩy mạnh vận động người dân thực hiện thông báo lưu trú. Kết quả, đến nay đã có 2.654 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú được cấp tài khoản và thực hiện thông báo lưu trú thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Từ ngày 1/1 đến nay, 86.527 lượt công dân đã thông báo lưu trú.

Ngày 5/5/2023, Công an quận Tân Bình đã triển khai thí điểm tại cơ sở lưu trú và nhân rộng mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM cho khách sạn Đệ Nhất và khách sạn Đức Minh (cùng nằm trên đường Hoàng Việt, Phường 4). Cụ thể, phần mềm ASM do Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân thuộc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an xây dựng, quản lý, vận hành.

Khách lưu trú không cần gửi lại căn cước công dân cho cơ sở lưu trú như trước đây mà chỉ cần đưa mã QR trên căn cước công dân hoặc ứng dụng VNeID cho khách sạn quét. Từ đó, thông tin khách đến lưu trú trên hệ thống của khách sạn, đồng thời phần mềm ASM được kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và có tính năng thực hiện khai báo lưu trú cho khách trực tiếp trên phần mềm, giúp khách sạn không cần phải thực hiện thao tác khai báo cư trú qua trang web Dịch vụ công quốc gia.

Không chỉ tại các khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, phần mềm này cũng được triển khai tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn và Bệnh viện Quận 4. Theo Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, phần mềm ASM đã tích hợp các nhóm chức năng quản lý các dịch vụ cung cấp có thể tùy biến riêng theo từng cơ sở lưu trú. Công an Thành phố đang tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng tại tất cả các cơ sở kinh doanh lưu trú và các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố.

Cùng với đó, Công an TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu, triển khai thí điểm mô hình ứng dụng bộ phần mềm và thiết bị xác thực thẻ căn cước công dân gắn chíp phục vụ công tác xác thực sinh trắc trong công tác công chứng.

Thành Chung (TTXVN)
Quản lý cư trú tại TP Hồ Chí Minh: Bài 1- Hướng tới thực hiện tốt chính sách dân sinh
Quản lý cư trú tại TP Hồ Chí Minh: Bài 1- Hướng tới thực hiện tốt chính sách dân sinh

Trong 48 năm xây dựng và phát triển, công tác quản lý cư trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố đông dân nhất cả nước luôn là nhiệm vụ nhiều khó khăn, thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN