Trang bị kỹ năng phòng ngừa cho trẻ em trên môi trường mạng

Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, trẻ em tiếp xúc nhiều hơn với môi trường internet. Bên cạnh những mặt tích cực, trẻ em cũng tiếp xúc với không ít mặt trái của môi trường trên mạng xã hội. Khoảng trống lớn nhất với trẻ em là việc trang bị kỹ năng phòng ngừa những cạm bẫy luôn rình rập.

Không gian mạng nhiều tiềm ẩn nguy cơ

Em P.L.M.Đ (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Thời gian qua, do phải học trực tuyến nên em tiếp xúc với không gian mạng nhiều hơn. Trong đó có nhiều chương trình chơi games, phim”.

Chú thích ảnh
Học sinh tham gia cuộc thi với an toàn thông tin lần đầu tiên được VNISA tổ chức.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Hiền, có con học tại trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy) chia sẻ: “Khi kiểm tra máy tính thì tôi phát hiện ra một nhóm học sinh trong lớp lập ra goup chat riêng để chơi games trên mạng gồm cả bạn nam lẫn bạn nữ. Thậm chí kiểm tra qua phần mềm theo dõi thì phát hiện chơi cả trong giờ học khi thầy cô giảng bài. Các bạn lớp 8 và lớp 9 còn chỉ nhau cách lách sự giám sát của bố mẹ và thầy cô như lập màn hình ảnh, khoá bàn phím, chuột….”.

Trao đổi với nhiều phụ huynh khác, chị Hiền thấy rằng đây là tình trạng chung do thời gian dài để các con tiếp xúc với máy tính, mạng internet; trong khi cha mẹ bận đi làm không có thời gian hướng dẫn và giám sát nên bên cạnh việc tích cực thì các mặt tiêu cực cũng nhiều, dễ thấy nhất là đam mê chơi games mà bỏ bê học hành. 

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 72 triệu tài khoản mạng xã hội và 68,72 triệu người dùng Internet (chiếm 70,3% dân số). Do dịch COVID-19, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả thanh thiếu niên sử dụng Internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ. Điều này làm gia tăng rủi ro trực tuyến đối với trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm bắt nạt trên mạng và bạo lực mạng trên cơ sở giới.

Ông Đặng Quốc Việt, đại diện tổ chức Plan International Việt Nam chia sẻ, khảo sát do tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện cho thấy, chỉ có 10% trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng Internet. Bối cảnh đó đòi hỏi phải hiểu sâu sắc về thực trạng và xác định những lỗ hổng về năng lực, hành lang pháp lý, môi trường văn hóa xã hội để đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.

Báo cáo của một trong các thành viên Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, trong quý 1 năm nay, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021). Thống kê của Cục Trẻ em cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so với quý 1/2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt bóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi. Các trường hợp xâm hại trẻ em khi được Tổng đài 111 tiếp nhận sẽ được xác minh, kết nối với địa phương (nơi các em bị xâm hại) và các cơ quan liên quan cùng phối hợp xử lý.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: Hiện nay, công tác truyền thông và nhận thức về an toàn của trẻ em trên môi trường mạng đang có nhiều khoảng trống lớn chưa được lấp đầy. Vấn đề trẻ em không còn là vấn đề quyền con người mà còn là vấn đề hội nhập và phát triển kinh tế, nhiều quốc gia sẵn sàng lập rào cản thương mại đối với những nền kinh tế bóc lột và lợi dụng trẻ em.

Sự chung tay của cả cộng đồng

Luật Trẻ em đã quy định rõ trách nghiệm của từng cấp, Bộ, ngành, tổ chức trong bảo vệ trẻ. Theo ông Đặng Hoa Nam, hiện truyền thông đóng vai trò tiên phong trong nâng cao nhận thức, trách nghiệm của các bên liên quan trong bảo vệ trẻ em. Cùng với đó, trẻ em sớm được tuyên truyền về kỹ năng tổ chức một môi trường sống an toàn. Các bậc phụ huynh cũng cập nhật các kiến thức kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng bởi phụ huynh chính là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất để bảo vệ trẻ em. Những hệ luỵ như phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục cần có kỹ năng và sự chung tay của cả cộng đồng, chính quyền và gia đình. Đó cũng chính là tinh thần trong thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khẳng định, trong thế giới số ngày nay, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ trên không gian mạng là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội. Thời gian qua, dưới tác động dịch bệnh COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội khiến hàng triệu trẻ em không được tới trường học trực tiếp mà phải học tập trực tuyến. Việc tiếp xúc, học tập, giải trí trực tuyến sẽ góp phần quan trọng hình thành nên những công dân số. Tuy nhiên, việc gắn chặt với máy tính, điện thoại và Internet, hạn chế việc tham gia vui chơi ở ngoài đồng thời cũng khiến cho trẻ em có nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin.

Theo thống kê trong thời gian dịch bệnh COVID-19 lên đỉnh điểm, tỉ lệ các cuộc tấn công mạng vào lĩnh vực giáo dục tăng cao nhất, chiếm khoảng 61% số cuộc tấn công mạng. Số vụ tấn công mạng vào các tài nguyên giáo dục với mục đích không cho người dùng truy cập được tăng ít nhất 350% so với trước đó. Hiện tượng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cũng trở thành vấn đề đáng báo động.

Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đầu tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025". Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một Chương trình ở cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Chương trình có mục tiêu bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

Triển khai chương trình này, về phía Bộ TT&TT cũng đã thành lập mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và nhiều tổ chức liên quan. Mạng lưới là tổ chức phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, Cục An toàn thông tin là cơ quan điều phối của mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP).

Chú thích ảnh
Website mạng lưới, ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đầu năm 2022, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã ra mắt website mạng lưới tại địa chỉ website: https://vn-cop.vn/. ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với mục đích truyền thông, lan tỏa các kỹ năng, kiến thức về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại địa chỉ website vn-cop.vn. Bộ TT&TT phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi Học sinh với an toàn thông tin 2022 thu hút hơn 600.000 em tham gia.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cho biết, cùng với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, Hiệp hội và các cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức cuộc thi Học sinh với an toàn thông tin trở thành chương trình thường niên về an toàn thông tin cho trẻ em tại Việt Nam, giúp các em học sinh được trang bị kỹ năng, kiến thức để bảo vệ mình trên môi trường mạng một cách thú vị, hữu ích, góp phần giải quyết một trong những vấn đề cấp bách và cần thiết của xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, sự hưởng ứng tham gia cuộc thi cho thấy sự quan tâm hết sức sâu sắc của toàn xã hội, của mọi gia đình cũng như nhận thức của toàn xã hội, của bản thân các em học sinh THCS đối với một vấn đề đang hết sức thời sự và nóng bỏng là làm thế nào để trẻ em có thể tương tác lành mạnh và sáng tạo trên môi trường Internet, nhiều kiến thức bổ ích nhưng cũng đầy thách thức, cạm bẫy, nguy hiểm.

Nhằm đồng hành với các cơ quan chính phủ triển khai Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt, tổ chức Plan International Việt Nam đã làm việc cùng văn phòng Plan International tại Đức huy động ngân sách cho dự án “Bảo vệ Trẻ em và thanh thiếu niên An toàn trên môi trường mạng”. Dự án triển khai từ tháng 8/2021 đến tháng 7/2024.

“Dự án có mục tiêu chính là hỗ trợ thanh thiếu niên từ 10-18 tuổi, đặc biệt là trẻ em gái và các nhóm dễ bị tổn thương, sử dụng Internet và mạng xã hội một cách an toàn và được bảo vệ khỏi các hình thức xâm hại trên môi trường mạng. Dự kiến sau 3 năm triển khai, dự án sẽ hỗ trợ tăng cường kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân và những người khác khỏi các hình thức bắt nạt và bạo lực giới trên môi trường mạng cho hơn 9.000 trẻ em, thanh thiếu niên độ tuổi từ 10-18 tuổi, đặc biệt là trẻ em gái và các nhóm dễ bị tổn thương, và cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô, cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp và người dân tại cộng đồng sử dụng các trang trực tuyến, trang mạng xã hội”, ông Đặng Quốc Việt nhấn mạnh.

Từ góc độ của cha mẹ, chị Nguyễn Thu Hiền nhìn nhận, xu hướng các con tiếp xúc với không gian mạng ngày càng phổ biến và không thể cấm đoán như trước. Nhất là với học sinh lứa THCS, thầy cô vẫn giao bài tập qua mạng và tổ chức một số bài tập đánh giá qua mạng thì việc trang bị kỹ năng về phòng chống những cạm bẫy trên mạng là cần thiết. “Thay vì cấm đoán, trước khi cho học sinh tiếp cận internet thì nhà trường và ngành giáo dục nên có những khoá học kỹ năng an toàn thông tin. Những bài học này đưa vào chính khoá thay vì học ngoại khoá như hiện nay. Đồng thời, các cơ quan quản lý, nhà trường cũng nên giới thiệu một số phần mềm có thể giám sát, đánh giá về mức độ an toàn khi để trẻ em, học sinh tiếp cận với mạng xã hội”, chị Nguyễn Thu Hiền nêu ý kiến.

XM/Báo Tin tức
Những thay đổi liên quan đến BHYT hộ gia đình từ năm 2023
Những thay đổi liên quan đến BHYT hộ gia đình từ năm 2023

Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó có những điểm mới liên quan đến BHYT hộ gia đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN