Xóa 'độc quyền' dữ liệu an toàn giao thông

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tai nạn giao thông (TNGT), an toàn giao thông (ATGT) là giải pháp giúp các cơ quan chức năng và người dân giám sát, hậu kiểm, minh bạch thông tin. Tuy nhiên, hiện nay, dữ liệu này gần như phụ thuộc vào từng ngành chuyên môn.

Mỗi ngành một dữ liệu

Đại diện Ban ATGT các địa phương cho biết, hiện nay, số liệu TNGT được lấy chủ yếu từ ngành Công an. Thoạt nhìn, đây là cách thống kê hợp lý, bởi trong quá trình điều tra TNGT, ngành Công an tham gia trực tiếp, nắm được diễn biến hiện trường, thu thập số liệu chính xác về số vụ, số người chết. Nhưng số liệu này lại không được dùng chung, vì ngành Kiểm sát chỉ thống kê các vụ TNGT nghiêm trọng, có người chết để đưa ra xét xử, trong khi ngành Y tế chỉ nắm được số liệu người bị thương và tử vong khi vào bệnh viện, nhưng ở hiện trường không nắm được, khiến số liệu thống kê bị sai lệch…

Chú thích ảnh
Hệ thống camera giám sát trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có thể chia sẻ dùng chung trong hệ thống dữ liệu quốc gia.

Ở góc độ khác, dữ liệu giám sát hành trình trên hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang được sử dụng bị động, chưa phát huy tác dụng trong khâu ngăn ngừa vi phạm. Thời gian qua, phương tiện vận tải bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để truyền dữ liệu hành trình, tốc độ, thời gian lái xe liên tục... về máy chủ tại Tổng cục, nhằm quản lý, xử lý vi phạm của lái xe. Song, thực tế, trong tất cả các vụ TNGT, thiết bị giám sát hành trình chỉ giữ vai trò như “ổ” lưu dữ liệu về tốc độ vận hành của xe, chứ chưa gửi được cảnh báo khi xe vượt tốc độ cho phép đến cơ quan Công an, Sở GTVT địa phương và lái xe, nên khó cảnh báo, ngăn tai nạn từ sớm.

Qua tìm hiểu của phóng viên, các trung tâm đăng kiểm phương tiện muốn khai thác dữ liệu về phương tiện gây TNGT, vi phạm giao thông, nhằm bổ sung vào hồ sơ đăng kiểm phải kết nối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công an mới có thể khai thác hoặc để Công an gửi danh sách phương tiện vi phạm không cho đăng kiểm, thì các trung tâm mới có cơ sở đối chiếu. Rõ ràng, hệ thống cơ sở dữ liệu tách rời, thiếu liên kết, khó chia sẻ giữa các cơ quan đang xảy ra.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê giữa các ngành chưa được kiểm tra chéo, dẫn đến việc các cơ quan quản lý thiếu công cụ hỗ trợ phân tích, mô phỏng, đánh giá về ATGT, qua đó tái hiện tình huống TNGT, xác định nguyên nhân về kỹ thuật, hạ tầng và lái xe. Việc khai thác các nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tuyên truyền cũng hạn chế, nhất là dữ liệu sâu, liên quan đến hành vi lái xe.

Theo Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, do chưa có trung tâm kết nối thống nhất cơ sở dữ liệu ATGT giữa các ngành: Công an, GTVT, Y tế, Bảo hiểm… nên ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý ATGT, hậu kiểm TNGT và minh bạch thông tin tới người dân. Các cơ sở dữ liệu về TNGT, ATGT mỗi ngành khai thác một góc độ. Riêng trong ngành Công an, dữ liệu về TNGT được xẻ ra, lưu trữ ở hai nơi. Trong khi dữ liệu tổng hợp chung TNGT, xử phạt vi phạm giao thông do lực lượng CSGT quản lý, thì dữ liệu các vụ TNGT nghiêm trọng lại thuộc cơ quan cảnh sát điều tra…

Không sợ báo mất bằng lái để gian lận

Về vấn đề này, theo ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích cơ sở dữ liệu ATGT (Viện Chiến lược và phát triển GTVT – Bộ GTVT), việc thống nhất cơ sở dữ liệu TNGT, ATGT sẽ giúp cơ quan chức năng đánh giá đúng thực trạng TNGT, ATGT của quốc gia. Vì vậy, cần thống nhất thành một hệ thống dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành.

Chú thích ảnh
Lắp camera giám sát giao thông trên cầu Chương Dương.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, về mặt công nghệ, thực hiện dữ liệu dùng chung không khó. Với trình độ công nghệ hiện nay, điều này là hoàn toàn có thể làm được, với chi phí thấp. Quan trọng là sự phối hợp giữa cơ quan quản lý có thẩm quyền trong quá trình tích hợp vào cơ sở dữ liệu đó phải thống nhất.

Các chuyên gia cho rằng, hệ thống dữ liệu dùng chung cần tận dụng các cơ sở dữ liệu sẵn có như: Thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát vi phạm giao thông, kiểm soát tải trọng, TNGT, đăng ký, đăng kiểm, giấy phép lái xe, phân tích lưu lượng giao thông… để khai thác và xây dựng thành cơ sở dữ liệu ATGT quốc gia, làm nền tảng phục vụ nghiên cứu, phân tích tai nạn và lựa chọn các giải pháp đảm bảo ATGT.

Ông Khuất Việt Hùng khẳng định, hệ thống dữ liệu TNGT, ATGT dùng chung là cơ sở để khai thác, phân tích, góp phần làm rõ nguyên nhân, điều kiện của tình trạng mất ATGT. Ví dụ, khi kết nối dữ liệu giữa các ngành sẽ biết được lái xe vi phạm bao nhiêu lần, khi đó có thể đưa vào quy định của pháp luật xử lý hành vi tái phạm như: Tước bằng lái xe vĩnh viễn hoặc rút ngắn thời gian cấp bằng. Khi có cơ sở dữ liệu chung cũng sẽ đảm bảo tính khả thi của quy định pháp luật, tránh tình trạng chưa biết xử lý như thế nào với các hành vi tái phạm như hiện nay.

Do vậy, việc xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung sẽ theo hướng, những thông tin theo quy định của pháp luật không được phép công bố thì cần ngăn không cho tiếp cận. Cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ được phân quyền truy cập, nhưng vẫn phải đảm bảo tính mở trong cung cấp thông tin đa dạng đối tượng từ người dân, các cơ quan truyền thông đến những người làm nghiên cứu khoa học, quản lý nhà nước theo từng chuyên ngành. Khi đó, lực lượng công an ngay lập tức sẽ biết thông tin về phương tiện, người lái, còn người làm công tác quản lý phương tiện sẽ biết trường hợp đó vi phạm bao nhiêu lần, điều khiển xe có phù hợp với bằng lái hay không…

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về tăng cường đảm bảo trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021. Trong đó, yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về TNGT và vi phạm trật tự ATGT. Đây là giải pháp nhằm đánh giá đúng thực trạng, tình hình TNGT, từ đó hoạch định, điều chỉnh chính sách hợp lý, góp phần giảm TNGT.
Đăng Sơn/Báo Tin tức
 1.356 người chết vì tai nạn giao thông trong 2 tháng đầu năm
1.356 người chết vì tai nạn giao thông trong 2 tháng đầu năm

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, trong tháng 2/2019 (từ ngày 16/1/2019 đến 15/2/2019), toàn quốc xảy ra 1.295 vụ tai nạn giao thông, làm chết 627 người và làm bị thương 1.032 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN