29 Tết, người dân TP Hồ Chí Minh gói bánh chưng, bánh tét ăn Tết cổ truyền

Giữa bộn bề công việc những ngày giáp Tết, nhiều gia đình trẻ tại TP Hồ Chí Minh lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng, bánh tét để ăn Tết - một nét đẹp mang đậm truyền thống dân tộc.

Xa Hà Nội hơn 10 năm nay nhưng năm nào gia đình chị Đàm Minh Thu (ngụ ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cũng nấu bánh chưng Tết, vừa để làm quà tặng bạn bè, người thân và vừa để gia đình có dịp quây quần bên nhau cùng nhớ về không khí ngày Tết của miền Bắc.

Chú thích ảnh
Trẻ em trong gia đình chị Thu ngày giáp Tết cũng phụ ba mẹ cắt dây buộc bánh chưng.

Chị Thu cho biết, đối với người Bắc, trong ngày Tết cổ truyền nhất định phải có chiếc bánh chưng để dâng cúng tổ tiên. Vì vậy, năm nào vào ngày 28 - 29 Tết, gia định chị Thu cũng chuẩn bị xoong nồi để nấu bánh chưng. Theo đó, người lớn thì chuẩn bị nhân bánh, khuôn gói bánh... đám con trẻ thì lau lá, tước dây gói bánh… Mọi thứ sẵn sàng, thế là cả nhà quây quần bên nhau cùng gói bánh trong không khí ấm áp của xuân phương Nam.

Chú thích ảnh
Ngày 28 Tết, gia đình chị Hồng cùng gói bánh chưng để chuẩn bị ăn Tết tại TP Hồ Chí Minh.

“Trong không khí ấm áp gia đình, người lớn thì tay thoăn thoắt gói từng cái bánh chưng, miệng vừa kể chuyện Tết xưa cho con cháu từ câu chuyện, cách gói bánh chưng ngày xưa như thế nào đến những câu chuyện gói bánh chưng ngày nay. Cứ thế, câu chuyện vẫn rôm rả trong khi hàng chục chiếc bánh chưng xanh “ra đời” trong không khí sum họp của gia đình. Năm nay, gia đình gói khoảng 50 cặp bánh chưng để làm quà biếu, tặng người thân, bạn bè trong dịp Tết cổ truyền”, chị Thu cho biết thêm.

Cũng mong muốn tìm lại hương vị Tết xưa của miền Bắc, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (quận Gò Vấp) năm nay nấu khoảng 30 chiếc bánh chưng để ăn Tết cổ truyền tại TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Những chiếc bánh chưng sau khi gói được đem đi nấu bằng bếp củi trong vòng 1 ngày.

Chị Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù sinh sống ở TP Hồ Chí Minh đã lâu nhưng mỗi dịp Tết đến Xuân về, gia đình chị và những người hàng xóm trong con hẻm 70, đường số 1 lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng Tết. Năm nay, nếu như hẻm nhỏ nhà chị có gần 10 gia đình thì có tới 5 gia đình cùng nhau gói bánh chưng Tết. Đa số những gia đình gói bánh chưng Tết đều có gốc Bắc và năm nào các gia đình này cũng gói bánh chưng để “tìm” hương vị lẫn không khí của Tết Bắc.

Đối với người miền Bắc đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, việc gói bánh chưng ngày giáp Tết là cách để họ “tìm” về hương vị Tết đất Bắc nhưng đối với người miền Trung và miền Tây, họ lại chọn cách gói bánh tét để nhớ về hương vị Tết nơi mình sinh sống.

Chú thích ảnh
Các gia đình miền Trung lại chọn gói bánh tét để ăn trong dịp Tết cổ truyền.

Đối với gia đình anh Nguyễn Thanh Tiến (ngụ ở Phước Long A, quận 9) ngày 29 Tết lại là ngày khá bận rộn, bởi đây là ngày gia đình anh Tiến chuẩn bị gói khoảng 20 đòn bánh tét để dành ăn Tết và tặng bạn tại TP Hồ Chí Minh.

Anh Tiến cho biết, ngày mùng 2 Tết, gia đình anh sẽ về Cai Lậy, Tiền Giang đón Tết cùng đại gia đình, nhưng năm nào cũng vậy, vào những ngày gần Tết cổ truyền, vợ anh Tiến cũng tranh thủ gói ít bánh tét làm quà Tết tặng đối tác, bạn bè và hàng xóm.

Chú thích ảnh
Những chiếc bánh tét miền Trung, miền Nam được gói bằng lá chuối có hình tròn.
Chú thích ảnh
Những chiếc bánh chưng miền Bắc lại được gói bằng lá dong và có hình vuông.

“Gói bánh ngày Tết, không cốt ý để ăn mà còn là cách để giữ gìn truyền thống, ngày tụ hội gia đình đầy đủ, quây quần bên cha mẹ và con cháu. Đây cũng là nét văn hoá truyền thống của dân tộc và đó cũng là ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền của dân tộc”, anh Tiến cho biết. 

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Bánh tét, bánh chưng làng Chuồn vào vụ Tết
Bánh tét, bánh chưng làng Chuồn vào vụ Tết

Với truyền thống hơn 400 trăm năm, bánh tét, bánh chưng làng Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nổi tiếng không chỉ ở Huế mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN