Bế mạc liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019

Tối 20/5, tại Nhà hát Lam Sơn (thành phố Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ mạc Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019.

Chú thích ảnh
Các diễn viên, nghệ sỹ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa công diễn vở tuồng "Triết Vương Trịnh Tùng". Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Ban tổ chức đã trao 2 Huy chương Vàng cho 2 vở diễn xuất sắc nhất là: “Chói rạng sơn hà” của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định và “Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư” của Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 4 Huy chương Bạc cho 4 vở diễn khác và 27 Huy chương Vàng, 49 Huy chương bạc cho các nghệ sỹ, diễn viên, đạo diễn, họa sỹ, nhạc sỹ tham gia liên hoan…

Phát biểu tại lễ bế mạc, thay mặt Ban tổ chức, Nghệ sỹ ưu tú Lê Chức khẳng định: 16 vở diễn của 11 đơn vị tham gia liên hoan đã thể hiện được tính trách nhiệm xã hội thông qua nghệ thuật sân khấu đầy biểu cảm với chất liệu của thể tài tuồng và kịch dân ca.

Các vở diễn mang đến liên hoan thể hiện tính công phu, hoành tráng, hấp dẫn người xem và đồng nghiệp. Kết quả tại liên hoan lần này đã phản ánh đúng chất lượng nghệ thuật của các vở diễn.

Qua lần liên hoan này, các đơn vị cần rút ra những bài học kinh nghiệm, phát huy thành quả đã đạt được, khắc phục yếu kém nhằm nâng cao sức sáng tạo của người nghệ sỹ, đồng thời các đơn vị, nghệ sỹ tuồng, dân ca kịch vẫn phải cố gắng giữ gìn và phát huy các bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Theo đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 với những vở tuồng như: “Triết Vương Trịnh Tùng”, “Trung thần”, “Hoạn lộ”, “Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư”, “Tình trong mơ”, “Quan khiêng võng”, “Vụ án Lệ Chi Viên”… được các nghệ sỹ thể hiện như một chiến trường đấu tranh của chính nghĩa với nhỏ nhen, ích kỷ để bảo vệ hòa bình, hạnh phúc, lẽ phải.

Nội dung này cũng thấm đẫm trong các vở dân ca kịch như: “Điều còn lại”, “Cái mẻ kho”, “Nốt lặng thời gian”, “Chói rạng sơn hà”…Các vở dân ca kịch tuy không nhiều xung đột như tuồng nhưng lại "nổi sóng" ở nội tâm, chan chứa nhân tình thế thái, thấm đẫm tình đời, tình người với bao khát vọng hạnh phúc, tương lai.

Ở các vở diễn, các nghệ sỹ đã thể hiện bằng nhiều hình thức, phong phú, đa dạng từ đề tài chính kịch, tâm lý xã hội, chính kịch sinh hoạt đời thường, chính kịch anh hùng ca đến bi kịch và bi hài kịch. Tất cả các hình thức đó đều mang tính đổi mới, cách tân, tìm tòi, sáng tạo rõ rệt tạo ra nhiều vở, nhiều lớp, nhiều miếng trò, nhiều lớp sóng… gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, đồng thời làm cho liên hoan năm nay mang sức sống hiện đại hơn và đậm đà bản sắc dân tộc.

Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với tổ chức từ ngày 11-20/5, thu hút sự tham gia của 228 nghệ sỹ, diễn viên và các thành phần sân khâu khác đến từ Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Đoàn Ca kịch Quảng Nam, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa...

Trong 9 ngày diễn ra liên hoan, các đơn vị đã công diễn 16 vở diễn bao gồm 9 vở tuồng và 7 vở dân ca kịch, đề tài từ chính sử, dã sử, dân gian cho tới hiện đại thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo công chúng.

 Trong đêm bế mạc, các đơn vị đã trình diễn những trích đoạn tiêu biểu và những tiết mục đại diện cho từng loại hình tham dự liên hoan.

 

Hoa Mai (TTXVN)
Đào Tấn và những cống hiến cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam
Đào Tấn và những cống hiến cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam

Suốt cuộc đời mang hết tâm huyết cống hiến cho nghệ thuật tuồng, là người đầu tiên mở trường đào tạo nghệ nhân tuồng trên đất Việt, là người đã để lại hàng trăm pho kinh điển và mẫu mực cho sân khấu tuồng Việt Nam… Đào Tấn xứng đáng được suy tôn là ông tổ nghề tuồng Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN