Cần cơ chế, chính sách đặc thù bảo tồn di tích đô thị cổ Hội An

Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đang phấn đấu xây dựng trở thành đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh Quảng Nam vào năm 2020 và đạt chuẩn đô thị loại 1, thành phố sinh thái văn hóa du lịch đến năm 2030.

Chú thích ảnh
Phố cổ Hội An luôn là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Để làm được điều này, chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng như thành phố Hội An mong muốn có cơ chế, chính sách đặc thù để bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của các di tích. Mặc dù trong hơn 20 năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích đô thị cổ Hội An vượt qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp”, từng bước hồi sinh và tạo dựng lại diện mạo ban đầu của một đô thị cổ nhưng cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và nỗ lực của địa phương, đã có hơn 450 lượt công trình được trùng tu. Đô thị cổ Hội An hiện có hơn 1.130 di tích kiến trúc nghệ thuật và nhà ở. Hiện nay, nhiều công trình đang ở trong tình trạng hư hỏng nặng. Nhiều công trình trở thành phế tích và bị biến dạng qua thời gian, đặc biệt một số công trình có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, mỹ thuật, hình thức kiến trúc nhà ở, hội quán, đình, chùa, miếu, bảo tàng… cần sớm được tu bổ, phục hồi.

Ngoài ra, các di tích hiện nay trong khu phố cổ đa phần thuộc sở hữu tư nhân, tập thể. Do đó việc vận động nhân dân bỏ kinh phí tự đầu tư là rất khó, đòi hỏi có sự hỗ trợ từ nhà nước. Đặc biệt, nhu cầu vốn đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo di sản là rất lớn, song khả năng cân đối hàng năm từ ngân sách các cấp còn thấp, địa phương không đảm bảo nguồn vốn để tu bổ kịp thời các công trình xuống cấp bức thiết trong khu phố cổ Hội An. Chỉ tính riêng nhu cầu đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích tiêu biểu mất khoảng 240 tỷ đồng, bình quân hàng năm cần huy động khoảng 30 tỷ đồng, song trên thực tế 8 năm qua (2012-2018) địa phương chưa huy động được nguồn vốn để đầu tư. Trong khi nguồn thu từ việc bán vé tham quan phố cổ mỗi năm đạt khoảng 30 tỷ đồng nhưng địa phương phải nộp vào ngân sách, do đó không đủ nguồn kinh phí để đầu tư tái tạo lại di tích.

Bí thư Thành ủy Hội An Kiều Cư cho biết: Đô thị cổ Hội An là di tích sống, nơi cư trú hoạt động mưu sinh của con người từ bao đời nay. Nơi đây hiện lưu giữ nhiều loại di tích kiến trúc nghệ thuật với những phong cách kiến trúc đa dạng, thể hiện sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nền văn hóa trong và ngoài nước. Các di sản kiến trúc trong đô thị cổ Hội An có niên đại phổ biến vào thế kỷ XIX và kết cấu chính được làm bằng gỗ. Do sự tác động thường xuyên của khí hậu như bão lớn, mưa nhiều, nắng gắt, lũ lụt, nhiệt độ và độ ẩm cao, lại trải qua thời gian chiến tranh nên nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ.

Hiện nay, việc bảo tồn tính nguyên gốc của di sản kiến trúc truyền thống trước những áp lực của xu thế hiện đại hóa kiến trúc, phát triển kinh tế, du lịch, tăng dân số và nhu cầu nhà ở… đang là vấn đề bức xúc của địa phương. Do đó, cần thiết phải có cơ chế, chính sách đặc thù để bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An về lâu dài. Địa phương mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đặc biệt quan tâm để bảo tồn di sản khu phố cổ Hội An được bền vững.

Trần Tĩnh (TTXVN)
Chống sạt lở mới ở 'phần ngọn', bãi biển Hội An có nguy cơ bị xóa sổ
Chống sạt lở mới ở 'phần ngọn', bãi biển Hội An có nguy cơ bị xóa sổ

Bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, bờ biển này đang đứng trước thực trạng sạt lở nghiêm trọng do tác động từ sóng biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN