Gắn việc bảo tồn voọc chà vá chân xám quý hiếm với phát triển du lịch bền vững

Ngày 12/12, tại thành phố Tam Kỳ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh (Green Việt) tổ chức hội thảo “Bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành giai đoạn 2019-2028”. 

Chú thích ảnh
Một cá thể voọc chà vá. Ảnh: Đăng Lâm/TTXVN

Nhiều nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các trường đại học, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế dự hội thảo và đưa ra những đề xuất nhằm bảo vệ hiệu quả đàn voọc chà vá chân xám được phát hiện tại khu vực núi Hòn Dồ, thuộc xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh cho biết: Quảng Nam là một trong 5 tỉnh của cả nước được xác định là nơi phân bố của loài voọc chà vá chân xám đặc biệt quý hiếm. Việc bảo tồn loài linh trưởng này là nhiệm vụ cấp thiết bởi điều kiện sống, vùng sinh cảnh của các quần thể voọc ngày càng bị thu hẹp và đe dọa. 

Theo khảo sát của các nhà khoa học, hiện trên toàn quốc còn khoảng 1.500 đến 2.000 cá thể voọc chà vá chân xám sinh sống. Riêng tại Quảng Nam, voọc chà vá chân xám phân bố rải rác ở nhiều địa phương miền núi và vùng núi thấp. Quần thể lớn nhất có khoảng 200 cá thể sinh sống trong Khu bảo tồn sinh cảnh voi tại huyện Nông Sơn. Đặc biệt, tại khu vực 25 ha rừng tự nhiên núi Hòn Dồ, thuộc thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành có số lượng khoảng 50 cá thể với ít nhất 4 đàn (4 gia đình) sinh sống. 

Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh, đơn vị có nhiều hoạt động nghiên cứu, khảo sát tại khu vực này khẳng định,đàn voọc chà vá chân xám tại huyện Núi Thành là quần thể duy nhất trên thế giới có thể dễ dàng quan sát ngoài tự nhiên. Điều này mở ra nhiều cơ hội trong việc nghiên cứu, bảo tồn loài nhưng đây cũng là nguy cơ rất lớn đe doạ sự sinh tồn của loài động vật quý hiếm này trước nguy cơ săn bắn, hoạt động sản xuất của con người. 

Ông Bùi Phước Chương, chuyên gia bảo tồn đa dạng sinh học nhấn mạnh: Việc mở rộng diện tích bảo tồn đàn voọc từ 25 ha lên 100 ha rừng tự nhiên đang được tỉnh Quảng Nam xúc tiến thực hiện là yếu tố quan trọng để mở rộng sinh cảnh đồng thời giải quyết được thực tế là đàn voọc đang bị chia cắt, cô lập bởi rừng sản xuất của người dân. Việc bảo tồn đàn voọc phải gắn chặt với công tác phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục, lưu trữ về nguồn gen.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành đề xuất: Đề án bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám tại huyện Núi Thành đang được Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh phối hợp với tỉnh Quảng Nam và các tổ chức quốc tế thực hiện cần chú trọng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững nhằm thay đổi, cải thiện sinh kế của người dân địa phương nhằm giảm tác động của con người đối với khu vực đàn voọc phân bố.

Đề án “Bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành giai đoạn 2019-2028” có tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng, trong đó kinh phí của Nhà nước trên 63 tỷ đồng còn lại là nguồn huy động từ các tổ chức quốc tế, ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh cho biết thêm.                                                                   

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Cuộc sống người dân sau tái định cư các dự án thủy điện ở Quảng Nam còn khó khăn
Cuộc sống người dân sau tái định cư các dự án thủy điện ở Quảng Nam còn khó khăn

Trong những năm qua, thực hiện quy hoạch phát triển thủy điện theo phê duyệt, tỉnh Quảng Nam đã triển khai 25/46 dự án thủy điện; trong đó 10 dự án thủy điện có di dân, tái định cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN