Kết thúc lễ hội Đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL

Sau 4 ngày diễn ra hàng loạt các sự kiện văn hóa trong khuôn khổ Festival, tối 17/11 đã bế mạc Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất, Sóc Trăng năm 2013.

Hội thi thả đèn nước Lôi Protip trên dòng Maspero trong dịp Festival. Ảnh: Duy Khương/TTXVN


Tại Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long - Sóc Trăng năm 2013 đã diễn ra nhiều sự kiện ấn tượng, thu hút đông đảo người dân tham quan, theo dõi như: Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ lần thứ nhất; Hội thi trình diễn trang phục 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; Triển lãm ảnh “Ký ức Sóc Trăng”; Hội thao dân tộc; Liên hoan ẩm thực 3 dân tộc; Hội chợ thương mại và triển lãm... ; Hội thi Lôi Prôtip (thả đèn nước); Phục dựng Lễ cúng trăng truyền thống của đồng bào Khmer.

Điểm nhấn, ấn tượng và là hoạt động chính được chờ đợi nhất trong Festival là giải Đua ghe Ngo có quy mô lớn thu hút đông đảo đồng bào quan tâm, cổ vũ với sự tranh tài quyết liệt của 62 đội ghe nam và nữ đến từ 8 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thi tài trong 2 ngày 16 và 17/11.

Giải Đua ghe Ngo nam, sau 83 trận tranh tài quyết liệt của 47 ghe nam, vượt qua 8 vòng chiến thắng, ghe Ngo chùa Càng Long đến từ tỉnh Trà Vinh đã khẳng định vị trí số 1 của mình trên đường đua khi đánh bại lần lượt nhiều ghe mạnh của Sóc Trăng. Ghe Ngo chùa Pô thi Prức đứng ở vị trí á quân. Giải ba thuộc về đội ghe chùa Pông Tức Chăs (huyện Thạnh trị, Sóc Trăng).

Ở giải Đua ghe Ngo nữ có 15 đội ghe từ 4 tỉnh là Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng. Qua 21 trận tranh tài không kém quyết liệt so với các đội ghe Ngo nam, kết quả: Chức vô địch thuộc về đội ghe chùa Ngan Dừa (Bạc Liêu), thứ hai là đội ghe chùa Kỳ Sơn (Vĩnh Long). Ghe Ngo chùa Lương Nghĩa (Hậu Giang) giành thứ 3 và đội ghe Ngo chùa Kostung (Sóc Trăng) về thứ 4.

Giải thưởng đối với các ghe đạt giải cao năm nay cho ghe nam và ghe nữ bằng nhau và được trao ở mức 200 triệu đồng cho chức vô địch, 150 triệu đồng cho chức á quân, 100 triệu và 50 triệu cho đội ghe hạng 3 và hạng tư.

Ngoài giải thưởng chính, qua mỗi vòng chiến thắng, các ghe còn được các nhà tài trợ trao thưởng rất cao để khuyến khích động viên tinh thần toàn đội.


Phát biểu tại lễ Bế mạc Festival, ông Mai Khương, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng Ban tổ chức Festival cho rằng: Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất - Sóc Trăng 2013 được coi là thành công về công tác tổ chức. Festival cũng là môi trường để tuyên truyền chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quảng bá hình ảnh đất nước con người, vùng đất Sóc Trăng. Đồng thời, hoạt động này cũng phần nào thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến đời sống, văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam bộ nói chung.

Các hoạt động chính diễn ra trong những ngày cuối tuần nên lượng khách từ các nơi đổ về thành phố Sóc Trăng dự Festival rất đông, ước khoảng trên nửa triệu lượt người. Đ ến Sóc Trăng nhân Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer, du khách cũng đã có những cảm nhận rất riêng về thành phố trẻ Sóc Trăng, về quê hương có những đặc sản nổi tiếng như bánh Pía, Lạp xưởng, bún nước lèo... để rồi sẽ nhớ mãi một vùng đất của lễ hội, thân thiện, vui tươi, mến khách và đậm đà bản sắc dân tộc...


Trung Hiếu
Lần đầu tiên tổ chức Festival Đua ghe Ngo
Lần đầu tiên tổ chức Festival Đua ghe Ngo

“Nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ, Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long đã được nâng tầm lên cấp khu vực ”- Đó là thông tin được UBND tỉnh Sóc Trăng đưa ra ngày 29/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN