Khai quật nhiều hiện vật khi trùng tu tháp E7 Mỹ Sơn

Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam và Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn đã nghiệm thu, bàn giao Dự án trùng tu tôn tạo tháp E7 trong quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Năm 1999, Khu di tích Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN


Dự án bắt đầu triển khai đầu năm 2011, với nguồn vốn đầu tư hơn 9 tỷ đồng. Sau 5 năm triển khai thực hiện trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp cho di tích, các chuyên gia của Viện Bảo tồn Di tích đã sử dụng nhiều loại chất liệu khác nhau để gia cố, gia cường, định vị, phục hồi nhiều chi tiết kiến trúc của tháp E7 một cách tỉ mỉ, hài hòa, gần với nguyên bản và phù hợp với không gian kiến trúc Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Trong quá trình trùng tu tháp E7, các chuyên gia đã thực hiện nhiều cuộc khai quật khu vực xung quanh tháp, lòng tháp và một số đoạn tường bao quanh tháp.

Các cuộc khai quật đã tìm thấy gần 200 hiện vật, gồm: Phần trang trí đầu viên ngói Chăm Pa, một số mảnh vỡ của các vật dụng được làm bằng đất nung và nhiều viên ngói mũi lá còn nguyên vẹn. Những hiện vật này được bàn giao cho Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn quản lý, bảo vệ, trưng bày phục vụ khách tham quan du lịch và nghiên cứu.

Ngoài việc hoàn thành dự án trùng tu tôn tạo tháp E7, các chuyên gia Ấn Độ đã phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành nhiều đợt khảo sát để thu thập thông tin dữ liệu, trên cơ sở đó sẽ đưa ra các giải pháp trùng tu tối ưu đối với quần thể các Di tích trong khu A của Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành duy tu bảo dưỡng tường bao các khu vực tháp, bậc cấp, lối đi trong quần thể kiến trúc; tổ chức tuyên truyền, kí kết với các địa phương trong vùng phụ cận để bảo vệ tốt vùng đệm di sản.


Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng hoàn thành đề án đổi mới chất lượng văn nghệ dân gian Chăm và đưa vào phục vụ du khách; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ, xây dựng nhà chờ, bến bãi, cổng soát vé điện tử, mua sắm xe điện, hoàn thiện các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu...

Thời gian tới, Ban quản lý sẽ cấm tất cả các phương tiện chạy bằng động cơ máy nổ gây ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến vùng lõi của quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Để giá trị Di sản Mỹ Sơn trường tồn với thời gian
Để giá trị Di sản Mỹ Sơn trường tồn với thời gian

Cùng với phố cổ Hội An, quần thể kiến trúc tháp Chăm Mỹ Sơn là một trong hai Di sản văn hóa thế giới tại tỉnh Quảng Nam, thế nhưng Mỹ Sơn có nguy cơ thành phế tích nếu như không có sự can thiệp kịp thời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN