Phú Thọ: Đảm bảo trang nghiêm, thành kính khi tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương

Tại buổi tổng kết công tác tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018 ngày 22/5, ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ cho biết: Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong việc chung tay xây dựng lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.

Đoàn dâng hương tại Lễ giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Ông Hoàng Dân Mạc yêu cầu đối với việc tổ chức các hoạt động phần lễ cần tiếp tục được tổ chức theo nghi thức truyền thống; xây dựng các phương án dự phòng để tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đảm bảo trang nghiêm, thành kính trong mọi tình huống thời tiết.

Về phần hội, cần tiếp tục quan tâm, đầu tư, bổ sung hệ thống chiếu sáng phục vụ các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội Đền Hùng. Riêng với Lễ hội Văn hóa dân gian đường phố cần huy động sự tham gia của tất cả các địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung diễn xướng các nét văn hóa dân gian đặc sắc của mỗi địa phương.

Ban tổ chức nghiên cứu, mở rộng đối tượng tham gia Giải bơi chải Việt Trì mở rộng nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân và du khách; nghiên cứu, điều chỉnh địa điểm tổ chức Hội chợ Hùng Vương phù hợp, đảm bảo không gian, cảnh quan phục vụ nhân dân và du khách về với lễ hội. Các hoạt động tại hội chợ phải mang lại hiệu quả, thiết thực, giới thiệu được các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ nhấn mạnh, năm 2019 là năm chuẩn bị quan trọng để tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng cấp Nhà nước vào năm 2020. Vì vậy, các cấp, các ngành cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung kỹ lưỡng tham mưu với Ban tổ chức; gắn việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất năm 2018 do tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức, có sự tham gia của 4 tỉnh là Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương và Kiên Giang đã được tổ chức nghiêm trang, trọng thể, an toàn, tiết kiệm và thành công nhất từ trước đến nay. Phần lễ được tổ chức trọng thể, thành kính và mang tính cộng đồng; phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, văn minh, an toàn...

Các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng tiếp tục tập trung quảng bá sâu đậm, rõ nét hơn về giá trị di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan”, hình ảnh của tỉnh Phú Thọ nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung và có sự tham gia tích cực của cộng đồng, phát huy ý thức tự nguyện của nhân dân trong việc tham gia các hoạt động và bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Các cam kết “5 không” tại lễ hội (không ùn tắc, không chặt chém, chèo kéo khách mua hàng; không ăn xin, ăn mày, khất thực; không để hình ảnh phản cảm trong lễ hội; không để mất vệ sinh môi trường) được thực hiện chặt chẽ, để lại ấn tượng sâu sắc đối với đồng bào và du khách trong và ngoài nước khi về với Đất Tổ, hướng tới xây dựng Lễ hội Đền Hùng trở thành lễ hội tiêu biểu, mẫu mực, văn minh, an toàn nhất trong cả nước. Ước tính trong dịp lễ hội đã có khoảng 7,5 triệu lượt người về thăm viếng Đền Hùng và tham dự các hoạt động lễ hội.

Dịp này, tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen cho 16 tập thể và 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức và phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018.

Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2018: Hướng về cội nguồn dân tộc
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2018: Hướng về cội nguồn dân tộc

Ngày 25/4 (ngày mùng 10/3 âm lịch), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long trọng thể tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Nhà thờ Hùng Vương, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN