Thi âm nhạc: Ca sĩ nhí hát nhạc tình yêu, nhạc bolero

Hiện nay ở nước ta, âm nhạc thiếu nhi vẫn chủ yếu là mảng ca khúc, trong khi ca khúc cho thiếu nhi tuy số lượng rất nhiều, nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu của chính lứa tuổi này...

Chú thích ảnh
Ca sĩ nhí Tấn Bảo - Nhật Duy thể hiện liên khúc bolero “Chuyến tàu hoàng hôn”, “Người đi ngoài phố”, “Xóm đêm”. Ảnh: TV

Xót xa nghe trẻ em hát nhạc người lớn

Những năm gần đây,  xuất hiện nhiều các sân chơi cho âm nhạc thiếu nhi. Có thể kể đến những sân chơi như Đồ Rê Mí, The Voice Kids, Thần tượng tương lai, Tuyệt đỉnh song ca nhí… góp phần tìm kiếm được nhiều tài năng âm nhạc nhỏ tuổi. Thế nhưng, những sân chơi này đang có xu hướng lệch chuẩn, khi ngày càng nhiều trẻ em hát những ca khúc không phù hợp với lứa tuổi.

Game show “Tuyệt đỉnh song ca” nhí mùa thứ 2, năm 2018, hai thí sinh Tấn Bảo, Nhật Duy  thể hiện liên khúc bolero “Chuyến tàu hoàng hôn”, “Người đi ngoài phố” và “Xóm đêm”...  Được cả giám khảo lẫn một số người hâm mộ trên mạng xã hội khen nức nở. “Là một người mẹ, tôi lại thấy xót xa, vì lẽ ra ở tuổi ấy, các em nên hát những bài hát trong sáng và vui tươi của trẻ thơ, chứ không phải những bài hát đầy tâm trạng không hề phù hợp lứa tuổi như vậy”, chị Minh Hà, trú tại quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ.

Rồi chương trình “Biệt tài tí hon” mùa thứ 2 mới đây trên VTV3, cô bé Ngô Nguyễn Trâm Anh, 8 tuổi hát bài bolero “Mưa nửa đêm”, với lời ca não nề: “Gác nhỏ đèn le lói bóng dáng ai trên tường loang, anh gối tay tôi để nghe chuyện xưa cũ, gói trọn trong nỗi nhớ…”, giám khảo cổ vũ, nhiều khán giả cũng tung hô, nhưng cũng không ít người nghe lại cảm thấy chạnh lòng.

Trước đó, năm 2017, quán quân Thần tượng tương lai Hiền Trân 10 tuổi, lên sân khấu hát toàn những bài hát “khủng” như “Cô gái vót chông”, “Tiếng đàn Ta lư”, “Bóng cây Kơnia”, “Chảy đi sông ơi”… những bài hát khó ngay cả với những ca sỹ chuyên nghiệp.

Chú thích ảnh
Ngày càng thiếu các ca khúc thực sự dành cho thiếu nhi. Ảnh: P.L 

Nói về tình trạng trẻ em hát nhạc người lớn, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội thừa nhận, hiện nay các bài hát thiếu nhi của chúng ta rất ít được quan tâm, việc sáng tác cũng hạn chế. Tại các chương trình ca nhạc lớn hầu như các bài hát thiếu nhi đều thiếu vắng. Ngay tại các cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi trên truyền hình như: Giọng hát Việt nhí, Đồ Rê Mí… thì tình trạng các cháu thiếu nhi hát bài người lớn, bài tình yêu, hát cả bolero rất nhiều. “Và đây là một điều đáng buồn”, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh trăn trở.

Nhiều nhạc sỹ và nhiều phụ huynh cũng không ủng hộ việc các gameshow, cuộc thi ca hát cho thiếu nhi, nhưng lại bắt các con hát những bài người lớn, những bài hát mang tính triết lý, không phù hợp với lứa tuổi và tâm lý trẻ nhỏ. Một số sân chơi còn còn ép các con hát những bài hát thật khó, phải biểu diễn theo phong cách người lớn rất khắc nghiệt, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý của các em thiếu nhi.

Nhiều trăn trở

Theo nhạc sỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, đối với lứa tuổi từ mầm non cho đến hết cấp học Trung học cơ sở (độ tuổi từ 1 – 15 tuổi), trong đó, trọng tâm là từ mẫu giáo (3 - 5 tuổi) đến hết tiểu học (6 -10 tuổi), thì giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng. Giáo dục góp phần hình thành nhân cách cũng như quyết định giá trị của một con người trong tương lai, khi các em đã trưởng thành, giáo dục góp phần hình thành nhân cách con người… Trong giáo dục, âm nhạc có một vị trí đặc biệt. Đã có nhiều công bố khoa học mang tính ứng dụng chỉ ra rằng, bên cạnh sứ mệnh đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần, thì âm nhạc kích thích sự phát triển trí não của trẻ nhỏ. Vì vậy việc nghe nhạc gì, nghe như thế nào và nghe trong bao lâu để phát huy được những giá trị tích cực của âm nhạc đối với lứa tuổi thiếu nhi một vấn đề rất đáng được quan tâm.

Tuy nhiên, ở Việt Nam âm nhạc thiếu nhi vẫn chủ yếu là mảng ca khúc, trong khi ca khúc cho thiếu nhi hiện nay tuy số lượng rất nhiều, nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu của chính lứa tuổi này.

Nhạc sĩ Phan Trần Bảng, tác giả của “Bài ca đi học”, “Cái bống”… thừa nhận, nhiều năm nay, sách giáo khoa âm nhạc hầu như không có bài hát mới, mà vẫn hát đi hát lại những bài hát cũ đến mấy chục năm, đến nỗi đã “mọc râu” rồi. Theo nhạc sỹ Phan Trần Bảng, các bài hát dành cho thiếu nhi hiện nay không thiếu, thậm chí có nhiều, nhưng nó hầu như không được phổ biến. “Việc cần làm bây giờ là tăng cường phổ biến các bài hát mới, để các em có thêm nhiều lựa chọn”, nhạc sỹ Phan Trần Bảng chia sẻ.

Chú thích ảnh
Chương trình âm nhạc "Tình yêu Hà Nội" 2018 tôn vinh ca khúc cho thiếu nhi. Ảnh: P.L

Tuổi thơ cần phải được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện thấm đẫm chất nhân văn trong sáng, trong đó âm nhạc đóng vai trò khá quan trọng. Tuy nhiên nếu đi tìm một ca khúc thiếu nhi mới, hay, phù hợp với lứa tuổi các em thì hầu như không có, bởi hiện nay, "nhiều nhạc sỹ trẻ không muốn sáng tác nhạc cho thiếu nhi, phần vì thiếu tâm huyết, phần nữa vì sáng tác nhạc cho thiếu nhi không dễ nổi tiếng, và thu nhập cũng không cao"- một nhạc sĩ chia sẻ. Một số ít ỏi các nhạc sĩ quan tâm đến sáng tác nhạc cho thiếu nhi, nhưng sáng tác xong lại để đấy, vì không có kinh phí dàn dựng.

Mới đây, Hội Âm nhạc Hà Nội đã dành trọn thời lượng của đêm nhạc “Tình yêu Hà Nội” lần thứ 11, tôn vinh các ca khúc thiếu nhi, tôn vinh các nhạc sĩ nổi tiếng như: Hoàng Long - Hoàng Lân, Hoàng Vân, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Phạm Tuyên, Tân Huyền, Xuân Giao, Văn Dung, Thế Song, Hồ Bắc, Phan Trần Bảng, Lê Xuân Thọ...

Trong đêm nhạc này, những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng, đã đồng hành cùng tuổi thơ của nhiều thế hệ như “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, “Tiếng chim trong vườn Bác”, “Chú mèo con”, “Con cò bé bé”, “Đi học về”, “Chim chích bông”… được thổi hơi thở mới, bằng cách hòa âm phối khí mới, mang lại không khí trẻ trung, vui tươi, hồn nhiên, lãng mạn hơn, phù hợp với cách nghĩ và tư duy của các cháu thiếu nhi hiện nay. Chương trình đã thành công và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam cho biết, thông qua chương trình nghệ thuật dành riêng cho các nhạc phẩm thiếu nhi chọn lọc này, Hội Âm nhạc Hà Nội hy vọng sẽ góp thêm một “tiếng nói” tôn vinh các nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho âm nhạc dành cho thiếu nhi, góp phần làm mới, lan tỏa hơn những tác phẩm hay, phù hợp tâm lý lứa tuổi và làm đẹp tâm hồn các em nhỏ qua nhiều thế hệ. Đồng thời cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho sự thiếu vắng trầm trọng các ca khúc thiếu nhi hiện nay.

Nhạc sĩ Hoàng Lân xúc động chia sẻ, phải vài chục năm nay, đến nay mới có một chương trình ca nhạc dành riêng cho các ca khúc thiếu nhi, được biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây có lẽ cũng là một hồi chuông để nhắc nhở chung về tình trạng thiếu vắng những bài hát thiếu nhi, những chương trình âm nhạc dành riêng cho thiếu nhi.

 

Phương Hà/Báo Tin tức
Vinh danh các ca khúc thiếu nhi trong chương trình 'Tình yêu Hà Nội' lần thứ 11
Vinh danh các ca khúc thiếu nhi trong chương trình 'Tình yêu Hà Nội' lần thứ 11

Lần đầu tiên, chương trình nghệ thuật mang tên “Tình yêu Hà Nội” tổ chức vinh danh các ca khúc thiếu nhi do các nhạc sỹ của Hội Âm nhạc Hà Nội sáng tác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN