‘Trên đỉnh Ngọa Vân’ - Khúc tâm tình trong mỗi câu thơ

Khi bước chân chạm đến mỗi vùng đất là hồn thơ với những thanh âm của nhiều cung bậc cảm xúc lại ngân lên. Thơ vì thế là tâm hồn, cũng là nơi để nhà báo Trần Mai Hưởng gửi gắm những khúc tâm tình.

Mỗi vùng đất càng trở nên thiêng liêng, lấp lánh

“Trên đỉnh Ngọa Vân” (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2023) là tập thơ thứ 3 sau Lời người bán rong (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2017) và Tuổi heo may (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2019); và là tác phẩm thứ 8 của nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN. Trong sự nghiệp làm báo (nhà báo Trần Mai Hưởng từng là phóng viên chiến trường của TTXVN tại Mặt trận Quảng Trị 1972-1973; chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, chiến trường Campuchia 1978-1980), nhà báo Trần Mai Hưởng cũng dành sự quan tâm không ít cho văn học, từ viết truyện ngắn, truyện ký, bút ký, nhất là sau này, khi đã nghỉ hưu thì dành khá nhiều thời gian để đi đây đó và làm thơ. Chỉ trong thời gian chừng sáu năm, bằng việc ra mắt 3 tập thơ, cho thấy sức viết đáng nể của nhà báo Trần Mai Hưởng. Trong đó, với 115 bài thơ, “Trên đỉnh Ngọa Vân” mang tính “tự sự” hơn cả. 

Chú thích ảnh

Ở đó, người đọc bắt gặp một “nhà báo làm thơ” với những khúc tâm tình của một người nặng lòng với “Hồn nước”, “Hồn chữ”, “Hồn làng”, “Hồn phố”. Sau mỗi chuyến đi, nhất là trong tâm thế của một nhà báo, mọi nẻo đường đi tới đều được nhà báo Trần Mai Hưởng “ghi” lại bằng thơ, với những cảm nhận của riêng mình. 

Nhà thơ Bằng Việt khi viết lời tựa cho tập thơ “Trên đỉnh Ngọa Vân” đã nhấn mạnh: “Mở tập thơ của Trần Mai Hưởng ra, điều đầu tiên gây ấn tượng với chúng ta là sự trăn trở của tác giả muốn tìm hiểu tới tận cùng, muốn khám phá cho đến đáy những gì là sâu thẳm, là sâu kín nhất, từ bên trong mỗi khái niệm, mỗi vùng đất, và tiềm ẩn tận trong hồn mỗi sự vật, cho đến cả hồn người”. Nhà thơ Đỗ Bạch Mai khi viết về thơ của ông cũng khẳng định: “Ba tập thơ, ba chặng đường, chung mạch chảy xuyên suốt về “Tình yêu thứ nhất” dành cho Đất nước, Tổ quốc và Nhân dân, đặc biệt ở tập thơ thứ ba: Trên đỉnh Ngọa Vân”.

Và phải chăng, vì làm thơ trong tâm thế của một nhà báo nên khi chạm đến mỗi vùng đất, với nhà báo Trần Mai Hưởng vừa là chiêm ngưỡng, vừa là chiêm nghiệm, trải nghiệm, để rồi như gom góp lại “dáng hình đất nước”, khiến mỗi vùng đất càng trở nên thiêng liêng, lấp lánh. Lịch sử theo chiều dài đất nước cùng với bao câu chuyện ẩn chứa trong đó hiện ra với: Trên đỉnh Ngọa Vân, Đêm Hoa Lư, Viếng bà Phi Yến, Viếng đền Cuông; Bên thành nhà Hồ,... Đến với Yên Tử, tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông, tác giả tự hỏi: “Người gửi lại gì vào trời xanh mây trắng/Hơn 700 năm vương vấn đất này/Cửa Phật non cao không xa cách/Non nước trong tầm cánh hạc bay”... để rồi khái quát: “Giữ nước không chỉ bằng gươm giáo/Khoan sức dân kế sách ngàn đời” (Trên đỉnh Ngoạ Vân) - cũng là cốt cách “trị quốc, bình thiên hạ” của bậc quân vương anh minh.

Chú thích ảnh
Nhà báo Trần Mai Hưởng trong một lần cùng các đồng nghiệp lên Yên Tử. Ảnh: NVCC

Và còn biết bao cung bậc cảm xúc khác nữa khi nhà báo Trần Mai Hưởng viết: Trở lại Hiền Lương, Chạm ngõ sông Hồng, Tiếng trống ở Lũng Cú, Bên dòng Nho Quế, Phan Xi Păng, A Pa Chải, Xín Cái mùa hoa gạo, hay Sóng Cửa Tùng, Uống trà ở Suối Giàng, Sao biển mũi Hàm Rồng, Hòn Phụ Tử... Nhất là khi trở lại với cầu Hiền Lương, sông Bến Hải (Quảng Trị) - nơi ông từng viết bài thơ “Giếng nước dưới địa đạo” khi là phóng viên chiến trường, với nhiều bài viết về những năm tháng khốc liệt ở vành đai lửa, gặp những con người của mảnh đất anh hùng.

Tôi gặp lại mình tuổi hai mươi yêu dấu/Lần đầu bên sông một thoáng sững sờ” để không thể quên những tháng ngày bom đạn “Một nhát chém giữa lòng tổ quốc/Biết mấy lỡ làng đau đớn xót xa”. Để rồi “Trở lại đây cuối đời như hò hẹn/Gặp lại sông mà để gặp lại mình”, và thao thiết: “Đất nước mình bao nhiêu dòng sông/Nhưng duy nhất chỉ Hiền Lương là một/Mong những chia cắt một thời mãi liền da thịt/Trong lòng sông và cả lòng người”.

Chuyện đời trong thơ

Nhà báo Trần Mai Hưởng không chỉ nặng lòng với những miền đất, mà còn nặng lòng với những phận người đã gặp, dù chỉ là thoảng qua, khi viết: Người bán hoa, Giấc bên đường, Tiếng rao, Chợ tạm, GDP của mẹ, Đêm trên đường Trần Khánh Dư... “Hoa bán ngày trăm bó/Chẳng một bông cho mình/Đường về quanh ngõ nhỏ/Người với bóng lặng thinh” (Người bán hoa); “Tựa lưng chỉ một thoáng thôi/Vỉa hè chợp mắt ngủ ngồi qua trưa/Chập chờn nắng chập chờn mưa/Bến thời gian những ước mơ của người” (Giấc bên đường). Những người lao động chân chỉ hạt bột, cần mẫn mưu sinh trong nhọc nhằn, gian khó. Những cảnh thường nhật, đời đến thế!

Trong những ngày người dân cả nước gồng mình, sát cánh cùng nhau chống dịch COVID-19, có những thời điểm tình hình vô cùng phức tạp, dịch diễn biến xấu, nhà báo Trần Mai Hưởng cũng “phản ánh” bằng thơ. Những dòng thơ ấy “khắc họa, chụp” bức tranh “hiểm nguy” của đại dịch; những ca tử vong, những ngày cách ly... như: Hiểm họa Corona, Nghĩa đồng bào, Cách ly, Hà Nội nhớ, Gửi Đà Nẵng, Hai phận người, Tiên phong, Một người, Khoảng trời bình yên, Những siêu thị 0 đồng, Một người lặng lẽ, Tiễn biệt những linh hồn, Ở hai đầu thành phố, Hai ngả tháng tư, Thu trên phố vắng, Vầng trăng mồ côi... 

Hà Nội giữa những ngày giãn cách/Hai đầu thành phố cũng chia xa/Nỗi nhớ nương theo từng ngõ nhỏ/Vương vấn đâu đây trên mỗi mái nhà” (Ở hai đầu thành phố, tháng 9/2021, gần một năm dịch COVID-19 bùng phát - PV); hay “Tháng Tư về ngọn gió chia đôi/Thao thiết ngày xưa một miền xanh thẳm/Khắc khoải ngày nay phố dài vắng lặng/Tôi bước đi giữa hai ngả thời gian” (Hai ngả tháng tư, tháng 4/2020 - từ 1/4/2020 thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc - PV). Nhưng chính trong những ngày khó khăn của dịch bệnh ấy, tình người lại được nhân lên, tỏa sáng: “Ngày dịch giã mà ấm tình dân nước/Lay động trong tim hai tiếng đồng bào/Nhiều nghĩa cử khắp Trung Nam Bắc/Hàng triệu con người xích lại gần nhau”. Những ngày tháng ấy sẽ không khi nào có thể quên trong mỗi người.

Những câu chuyện đời như thế, chính là một cách phản ánh của nhà báo qua thơ, mà “sức nặng” chuyển tải sẽ chạm đến cảm xúc của người đọc một cách không ngờ. Nhưng không chỉ dừng ở phán ánh chuyện đời thường, nhà báo Trần Mai Hưởng còn có những bài thơ chuyển tải những câu chuyện thời thế đáng để suy ngẫm. Đó là những khoảng sáng tối, những vấn đề còn nhức nhối của xã hội như vấn đề về “quy trình” (nghịch lý thuỷ điện xả nước đúng quy trình mà vẫn gây lụt lội, nhà cao tầng xây đúng quy trình sao vẫn kẹt cứng giờ cao điểm, hệ thống thoát nước đúng quy trình sao phố xá vẫn ngập sau mỗi trận mưa... và nhất là “con người lựa chọn đúng quy trình” mà “vẫn lắm thờ ơ vô cảm” (Đúng quy trình); về “Người tài”, về trách nhiệm khi “phát ngôn”, khi nói trước người dân “câu chữ nặng ngàn cân” (Lập ngôn); vấn đề “bàn tay quyền lực”, ranh giới mong manh anh hùng có thể trở thành tội đồ trong gang tấc (Những khoảng tối)...

Như thế, với 115 bài thơ, “Trên đỉnh Ngọa Vân” đã mang đến nhiều khoảng không gian, thời gian, những bức tranh nhiều màu sắc của chuyện đời, chuyện người, những vấn đề rất thời sự của báo chí. Sự đan xen giữa thơ và báo chí đã làm nên một “nhà báo làm thơ” đầy tâm huyết, cần mẫn và nhiệt tâm - nhà báo Trần Mai Hưởng. Vì thơ cũng là đời, nên thơ ông sẽ chạm tới tâm can của người đọc, từ đó tạo sự đồng cảm sâu sắc!

Hoàng Linh/Báo Tin tức
Nhà báo Trần Mai Hưởng - Cây bút 'tâm, tài' đi cùng năm tháng
Nhà báo Trần Mai Hưởng - Cây bút 'tâm, tài' đi cùng năm tháng

Nhiều người biết tới Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam không chỉ qua những bài viết, bức ảnh nổi tiếng mà ông còn là phóng viên chiến trường, vào sinh ra tử ở những thời khắc lịch sử cùng cả dân tộc làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN