Mỹ không có kế hoạch triển khai các tên lửa mới tại châu Âu

Ngày 8/11, một quan chức cao cấp của Mỹ cho biết Mỹ không có kế hoạch triển khai tên lửa mới tại châu Âu dù đã thông báo sẽ rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng tên lửa tầm trung (INF) với Nga.

Chú thích ảnh
Một loại tên lửa của quân đội Mỹ. Ảnh: The Moscow Times/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tại cuộc họp báo diễn ra ở Brussels, một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ nói rằng cáo buộc của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Washington đang khởi động một cuộc chạy đua vũ trang mới là "vô căn cứ". Quan chức trên nhấn mạnh Mỹ không có kế hoạch triển khai bất cứ vũ khí mới nào tại châu Âu và nhất là không có việc đưa các vũ khí hạt nhân mới của nước này tới châu Âu. Tuy nhiên, quan chức này cũng không loại trừ việc triển khai trong tương lai.

Cho đến nay, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng chương trình tên lửa 9M729 của Nga, còn được gọi là SSC-8, đã vi phạm Hiệp ước INF về cấm các tên lửa được phóng lên từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định Moskva tuân thủ nghiêm chỉnh INF, trong khi Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận này.

Trước đó, ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận. Washington cho rằng Nga vi phạm  INF từ năm 2013 với việc triển khai một hệ thống tên lửa mới và Mỹ cũng đã có nhiều lần thuyết phục Moscow tuân thủ các quy tắc nhưng phía Nga vẫn im lặng. Mặc dù vậy, phía Nga khẳng định Moskva tuân thủ nghiêm chỉnh INF, ngược lại chính Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận này. 

Quyết định trên của Tổng thống Mỹ khiến nhiều nước châu Âu lo ngại về nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tuy nhiên, các thủ tục pháp lý để thực thi quyết định trên vẫn chưa được tiến hành. Một số quan chức Mỹ hiện vẫn đang ở châu Âu để tham khảo ý kiến và cố gắng trấn an đồng minh.

INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500 km). Nhiều nước thành viên cũng đã hối thúc Mỹ nỗ lực giải quyết bất đồng với Nga liên quan INF, thay vì từ bỏ thỏa thuận này. Một số quan chức ngoại giao cho rằng Mỹ nhiều khả năng sẽ trì hoãn việc chính thức rút khỏi INF cho đến sau cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 11/11 tới tại Paris (Pháp).

Kim Chung - Phương Hoa (TTXVN)
Mỹ tố Nga bí mật triển khai tên lửa hành trình mới
Mỹ tố Nga bí mật triển khai tên lửa hành trình mới

Ngày 14/2, Mỹ kêu gọi Nga tôn trọng các quy định trong hiệp ước kiểm soát vũ khí sau khi truyền thông Mỹ đưa tin Nga đã triển khai một loại tên lửa hành trình mới, động thái có thể vi phạm hiệp ước song phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN