Bé gái bị đứt lìa cánh tay trái do ngã vào cưa máy

Ngày 17/5, bác sỹ Nguyễn Hiền, Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những ngày qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích nghiêm trọng.

Bệnh nhi chờ được khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Cụ thể, vào chiều 16/5, Bệnh viện tiếp nhận thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang chuyển lên một bé gái bị đứt lìa cánh tay trái do cưa máy. Ngay sau đó, quy trình báo động đỏ liên viện được kích hoạt, các bác sỹ Khoa Cấp cứu, Khoa Chỉnh hình, Gây mê hồi sức, Huyết học được huy động. Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn với các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy để sẵn sàng phương án tiếp cận nhanh nhất nhằm cứu cánh tay cho bệnh nhi.

Đến 17 giờ cùng ngày, bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 và được đưa ngay vào phòng mổ. Các bác sỹ tiến hành thám sát vết thương, đánh giá khả năng nối ghép phần chi bị đứt lìa. Tuy nhiên, do bị thương quá nặng và phức tạp, cánh tay trái của trẻ bị đứt lìa từ vai, phần xương vai bị lộ ra ngoài nên không thể ghép nối cánh tay bị đứt lìa. Sau đó, các bác sỹ quyết định cắt lọc vết thương và làm mỏm cụt cho bệnh nhi.

“Sau mổ, tình trạng bệnh nhi đã ổn định nhưng cả em lẫn gia đình sẽ phải đối diện với vấn đề tâm lý khá lớn khi cánh tay trái không còn nữa. Việc mất đi một cánh tay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trẻ sau này”, Bác sỹ Nguyễn Hiền cho hay.

Thông tin từ gia đình bệnh nhi, trong khi chơi trốn tìm với các bạn, không may bé gái bị ngã vào chiếc cưa máy đang làm mộc của gia đình. Gia đình đã ngay lập tức đưa bé đến bệnh viện cấp cứu, đồng thời bảo quản cánh tay bị đứt lìa trong thùng lạnh nhưng vẫn không thể cứu được cánh tay của bé.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận bé gái N.N.K.T. (15 tháng tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) bị bỏng nặng do rò rỉ khí gas. Theo thông tin của người nhà, khi mẹ của bé vừa ẵm con vừa nấu ăn, bếp gas lớn bị rò rỉ khí gas gây cháy, bên cạnh có 3 bình gas mini. Người mẹ đã nhanh chóng ẵm con chạy ra ngoài nhưng bình gas phát nổ đã gây bỏng nặng cho cả hai mẹ con. Bệnh nhi N.N.K.T. bỏng độ 2-3 với trên 40% diện tích cơ thể, diện tích bỏng lớn, bỏng vùng đầu mặt, hai tay và vùng cổ, ngực. Các bác sỹ cho biết, tình trạng bỏng của bệnh nhi khá nặng, tiên lượng trước mắt và lâu dài rất dè dặt.

Bác sỹ Nguyễn Hiền cảnh báo, mùa hè là khoảng thời gian trẻ được ở nhà nhiều hơn, tham gia các hoạt động vui chơi, dã ngoại nhiều vì thế nguy cơ bị tai nạn luôn rình rập. Các tai nạn trong dịp hè mà trẻ thường gặp là chấn thương sọ não, gãy chân, tay, đuối nước... Vì thế, phụ huynh cần quan tâm, để ý đến trẻ nhiều hơn, nhất là hạn chế cho trẻ đi tắm sông, hồ, ao, suối…

Đinh Hằng
Bệnh nhân tử vong sau khi điều trị dị ứng thức ăn: Bệnh viện An Sinh cần rút kinh nghiệm chuyên môn
Bệnh nhân tử vong sau khi điều trị dị ứng thức ăn: Bệnh viện An Sinh cần rút kinh nghiệm chuyên môn

Ngày 14/5, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố kết quả của Hội đồng chuyên môn làm rõ quá trình Bệnh viện An Sinh và Bệnh viện Nhân Dân 115 cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân L.N.T khi bệnh nhân này bị dị ứng thức ăn. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân này đã tử vong vào ngày 20/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN