Bệnh nhân bị mổ nhầm chân "stress" sau 2 lần phẫu thuật

Mệt mỏi, 2 chân tôi đều đau nhức, chân phải (bị mổ nhầm – PV) đau hơn chân trái. Nhưng sự việc đã rồi, chỉ mong sao bệnh viện có cách điều trị tốt nhất cho tôi để sau này còn có sức khỏe mà lo lắng cho gia đình”, nằm trên giường bệnh, bệnh nhân Trần Văn Thảo khó nhọc chia sẻ từng lời với phóng viên Tin Tức.

Cố gắng lắm cũng chỉ nói được 2 câu như thế, bệnh nhân Thảo lại mệt nhọc, nhắm mắt quay vào trong tường. Một lúc lâu sau, anh mới tỉnh lại và ăn vài thìa cháo nóng do người chị gái bón cho.

Bệnh nhân nặng nhọc nuốt từng thìa cháo được người nhà bón cho.

Nhìn cảnh bệnh nhân mệt mỏi nằm trên giường bệnh với 2 chân còn băng bó, mới phẫu thuật được 1 ngày, trong đó có 1 chân bị mổ nhầm do sự tắc trách của bác sĩ và kíp mổ, ai nấy có mặt tại buồng bệnh 104, khoa Chấn thương chỉnh hình 3, đều rất thương cảm. Chị Nguyễn Thị Thanh, chị dâu bệnh nhân buồn rầu cho biết: “Tuy đã ăn được một chút cháo nhưng em tôi còn mệt mỏi nhiều, đặc biệt tinh thần rất lo lắng, không rõ đôi chân không lành lặn này còn có khả năng phục hồi nữa hay không”.


Theo chị Thanh, hoàn cảnh gia đình anh Thảo rất khó khăn, 2 vợ chồng làm nông, anh Thảo là lao động chính trong gia đình. Những ngày này, anh Thảo nằm viện và xảy ra sự cố nhưng vợ anh cũng không thể lên viện chăm sóc vì còn phải lo cho 2 con gái nhỏ ở nhà (1 cháu 3 tuổi, 1 cháu 5 tuổi).


Năm 2015, bệnh nhân Thảo bị tai nạn và cũng được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Thời gian qua, anh đến viện để rút đinh. Trong quá trình đó, bác sĩ phát hiện chân bệnh nhân bị liệt thần kinh mác chung, chân trái bị đi tập tễnh. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật để cải thiện chức năng vận động cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật đã xảy ra sự cố phẫu thuật viên thay vì mổ chân trái lại mổ chân phải.

Ngày 20/7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khẩn trương xác minh nguyên nhân xảy ra sự cố trên; nghiêm khắc xử lý các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành. Nghiêm túc triển khai áp dụng Bảng kiểm an toàn phẫu thuật, thực hiện bảo đảm an toàn phẫu thuật, xác định chính xác người bệnh trước khi thực hiện cung cấp dịch vụ cho người bệnh. Khẩn trương tổ chức đào tạo lại về an toàn người bệnh theo tài liệu đào tạo liên tục ban hành kèm theo Quyết định số 56/BYT-K2ĐT ngày 16/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đặc biệt, Bệnh viện cần công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan truyền thông. Báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trước ngày 26/7.

“Khoảng 16h ngày 19/7, gia đình nhận được thông báo về sự cố nhầm lẫn trong khi phẫu thuật. Đến 19h cùng ngày thì Trưởng khoa và Phó khoa Chấn thương chỉnh hình 3 đã đến gặp xin lỗi bệnh nhân và gia đình tôi. Các anh ấy hứa sẽ có phương pháp điều trị tốt nhất để bệnh nhân có thể phục hồi tối đa. Tối qua, bác sĩ phẫu thuật cũng đến để xin lỗi gia đình và nhận lúc mổ đã sơ suất không xem kỹ bệnh án nên mới dẫn sai sót”, chị Thanh cho biết.


Chị Thanh cũng chia sẻ, gia đình chị đều thống nhất không truy cứu trách nhiệm của bác sĩ phẫu thuật để bác sĩ có cơ hội sửa chữa sai sót và còn tiếp tục công tác khám chữa bệnh. Nguyện vọng duy nhất của gia đình là mong Bệnh viện Việt Đức, nhất là khoa Chấn thương chỉnh hình 3 có trách nhiệm với bệnh nhân, điều trị với điều kiện chuyên môn, thuốc men, phương tiện tốt nhất trong quá trình nằm viện và cả giai đoạn phục hồi chức năng sau này.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bệnh viện Việt Đức giải trình về vụ mổ… nhầm chân
Bệnh viện Việt Đức giải trình về vụ mổ… nhầm chân

Bệnh viện Việt Đức đình chỉ toàn bộ kíp phẫu thuật cho bệnh nhân, yêu cầu từng cá nhân kíp mổ làm bản tường trình, tìm ra nguyên nhân gây ra sự cố mổ nhầm chân bệnh nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN