Cô gái tật nguyền quyết tâm sống có ích cho cộng đồng

Những ngày cuối năm này, công việc tại Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ, đồng thời làm gia sư vào buổi tối và theo học Thạc sĩ tại trường Đại học Cần Thơ, khiến Huỳnh Thúy Niềm rất bận rộn. Thế nhưng, tất cả những công việc này đều được Thúy Niềm - một cô gái khuyết tật hai chân, đi lại khó khăn, đảm đương và thu xếp chu toàn.

Là con út trong một gia đình thuần nông ở Cà Mau, khi còn bé, một buổi chiều sau khi phụ giúp cha mẹ việc đồng áng, Niềm bị sốt cao, đầu óc choáng váng, hai chân không thể cử động. Dù ngay sau đó gia đình đã đưa Niềm vào Thành phố Hồ Chí Minh điều trị, nhưng hai chân của Niềm được chẩn đoán là đã bị suy giảm nặng do di chứng từ cơn sốt bại liệt, trong đó chân phải bị teo hoàn toàn.

Cuộc đời của Niềm từ đó rẽ sang hướng khác, khó khăn và gian nan hơn. Cha mất sớm, một mình mẹ Niềm tần tảo nuôi các con ăn học. Do đi lại khó khăn nên hằng ngày các chị gái phải thay nhau cõng Niềm đi học. Vào những ngày mưa, đường quê lầy lội, Niềm và chị bị ngã không biết bao lần, về đến nhà lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Vất vả, khó khăn nhưng mẹ và các chị của Niềm luôn tạo điều kiện tốt nhất để Niềm vươn lên. Chính điều này đã tạo cho Niềm động lực phải cố gắng vươn lên, trở thành một người có ích cho xã hội, có thể tự chăm sóc bản thân và gia đình.

Huỳnh Thúy Niềm (người đứng thứ 2 từ phải sang). Ảnh: Báo cần thơ

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Niềm chọn thi vào Đại học Cần Thơ và đã trúng tuyển ngành ngữ văn, với số điểm cao. Những năm học đại học, Niềm tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, với tính cách lạc quan, luôn nhìn vào mặt tích cực của mọi việc, Niềm dần trút bỏ mặc cảm, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, đặc biệt là phong trào người khuyết tật do câu lạc bộ sinh viên khuyết tật Đại học Cần Thơ tổ chức.

Năm 2007 và năm 2010, Niềm được chọn tham gia Hội thi thể thao - văn nghệ toàn quốc dành cho người khuyết tật ở Huế và Đà Nẵng và đã đoạt một số huy chương. Trong học tập, Niềm nhiều năm liền được học lực giỏi và được nhận học bổng. Cũng trong khoảng thời gian này, Niềm bắt đầu biết đến hoạt động của Hội Người khuyết tật Cần Thơ sau một lần được giới thiệu đến nhận học bổng.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Niềm đã được nhận vào làm Thư ký Hội Người khuyết tật Cần Thơ. Làm việc ở Hội không những giúp Niềm có công việc ổn định mà còn giúp Niềm trưởng thành hơn, phát huy những khả năng mà trước nay bản thân Niềm chưa từng nghĩ đến. Những lần đi phát gạo, phát xe lăn; những lần tư vấn về pháp luật hay tham gia tổ chức các chương trình thiện nguyện từ Nam ra Bắc, được “cháy” hết mình với công việc đã đem lại niềm vui cho Niềm. Thúy Niềm suy nghĩ, xã hội hiện nay đã tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập về nhiều phương diện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Cũng là một người khuyết tật, Niềm càng thấy mình có trách nhiệm giúp những người cùng hoàn cảnh có thêm sức mạnh vượt qua mặc cảm.

Nhắc đến Niềm, cô Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Cần Thơ cho biết, Niềm là tấm gương cho tinh thần vượt khó vươn lên trong cuộc sống, rất năng nổ, đa tài, nhiệt huyết. Thời gian gần đây, Niềm vừa làm công tác Hội, vừa học Thạc sĩ, vừa dạy thêm kiếm sống nhưng Niềm luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc. Em đã vượt qua mặc cảm khiếm khuyết của bản thân để vươn lên, sống có ích cho cộng đồng.
Hồng Giang
Hàng ngàn người khuyết tật ở Bình Phước đang cần chăm sóc y tế
Hàng ngàn người khuyết tật ở Bình Phước đang cần chăm sóc y tế

Từ ngày 22 - 25/11, Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước tổ chức nâng cao năng lực về “Hệ thống thông tin Người khuyết tật và chính sách hộ trợ Người khuyết tật”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN