Ngày vì người nghèo 17/10:

Giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều: Khó khăn về vốn và giải ngân

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016-2020 đã đi được nửa chặng đường. Điểm mới của chương trình giảm nghèo giai đoạn này là thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều, hướng tới sự giảm nghèo toàn diện, bền vững.

Điều chỉnh chính sách hợp với thực tế

Chú thích ảnh
Nhiều vùng miền núi thiếu đất sản xuất là nguyên nhân gây ra nghèo

Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: Trước đây chúng ta đánh giá chuẩn nghèo chỉ dựa vào thu nhập. Thông qua điều tra, những hộ có thu nhập dưới mức chuẩn, qua bình xét được xác định là hộ nghèo.

Trong giai đoạn 2016-2020, chuẩn nghèo vẫn dựa vào thu nhập nhưng đồng thời dựa vào các tiêu chí khác gồm: Giáo dục, y tế, nhà ở, điều kiện sống, tiếp cận thông tin.

Để áp dụng giảm nghèo đa chiều, Bộ LĐTBXH đã xây dựng phương pháp xác định đối tượng và ban hành tiêu chí về chuẩn nghèo đa chiều. “Chuẩn về thu nhập chỉ phù hợp với giai đoạn đầu thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết vấn đề đói. Từ năm 2010, Tổ chức phát triển của Liên hiệp quốc (UNPD) đã phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội khảo sát, đánh giá về nghèo không chỉ dựa vào thu nhập, mà còn dựa vào mức độ tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Chương trình sau đó mở rộng ra vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng.

Kết quả cho thấy nếu xét về mặt thu nhập, Thành phố Hồ Chí Minh có mức thu nhập cao hơn Hà Nội nhưng nếu đo theo cách tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân đối với các lĩnh vực như về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch thì Thành phố Hồ Chí Minh lại nghèo hơn Hà Nội. Tương tự, đồng bằng sông Cửu Long cao hơn đồng bằng sông Hồng về mức thu nhập, nhưng mức độ thiếu hụt các dịch vụ cơ bản thì lại thiếu nhiều, đặc biệt là vấn đề tiếp cận nước sạch, giáo dục trẻ em, vệ sinh. Nếu đánh giá các chiều do UNDP đưa ra thì vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước chứ không phải miền núi phía Bắc, Tây Nguyên”, ông Ngô Trường Thi nhận xét.

Các chuyên gia giảm nghèo đều xác nhận nếu chỉ đánh giá về mặt thu nhập, nhiều khi sẽ không đánh giá bản chất thật sự của vấn đề nghèo. Do đó, từ năm 2013, khi Việt Nam nghiên cứu để tiếp cận thì thế giới đã có khoảng 40 quốc gia đã tham gia trong một diễn đàn nghèo đa chiều.

Sau hai năm nghiên cứu, xây dựng, Bộ LĐTBXH đã đề xuất ra được chuẩn nghèo đa chiều từ cuối năm 2015 và áp dụng từ năm 2016. Theo đó, để đo lường, giám sát sẽ do Tổng cục Thống kê tiến hành phân tích và dựa trên cơ sở điều tra mức sống hộ gia đình một năm/lần. “Còn xác định đối tượng cụ thể và nghèo ở chiều nào sẽ Bộ LĐTBXH thực hiện và có số liệu báo cáo hàng năm”, ông Thi cho biết.

Trên cơ sở đo lường này, Quốc hội phân bổ nguồn lực, hoạch định chính sách. Từ kết quả điều tra phân loại nghèo đa chiều cho thấy số hộ nghèo tập trung chủ yếu ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc còn vùng đồng bằng, tỷ lệ hộ nghèo rất thấp. Do đó, hơn 92% vốn của chương trình trong ba năm đã tập trung cho vùng đồng bào dân tộc.

Tháo gỡ chính sách

Chú thích ảnh
Đào tạo nguồn nhân lực là tiền đề để thoát nghèo

Thực hiện theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ LĐTBXH đang thực hiện đánh giá giữa kỳ để kiểm điểm những kết quả đã đạt được so với các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. “Tuy vậy, quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều vẫn còn hạn chế, tồn tại để từ đó đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt hơn, hiệu quả các dự án, chương trình giảm nghèo và mục tiêu cuối cùng là đạt được chỉ tiêu, mục tiêu quốc hội đã giao đến năm 2020”, ông Ngô Trường Thi cho biết.

Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách trên và đặc biệt là ý thức nỗ lực vươn lên của người nghèo nên kết quả giảm nghèo từ năm 2016 đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, trong đó: Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 53%, tới nay tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 6.7% vào cuối năm 2017, giảm bình quân 1,59%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 63,26% năm 2015 xuống còn 39,56% vào cuối năm 2017, giảm bình quân 5,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân hơn 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 39,61% cuối năm 2016 xuống còn 35,28% cuối năm 2017.

Đến nay cả nước đã có 8 huyện thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo, 38 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới (trong đó có 17 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 21 xã 135). Năm vừa qua, cả nước có 1 triệu hộ thoát ra khỏi hộ nghèo và tỷ lệ giảm này thấp so với giai đoạn trước.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí là 48.397 tỷ đồng. Theo đó, nguồn lực đầu tư chủ yếu cho các địa bàn nghèo thực hiện bởi 5 dự án (Chương trình 30a; Chương trình 135; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án truyền thông, thông tin; Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá) nhằm giảm bớt khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền, cải thiện đời sống cho người dân ở vùng khó khăn.

Cả 5 dự án thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 cũng chính là thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều. Việc triển khai các dự án không cào bằng mà căn cứ vào các khảo sát trước đó để có những chương trình đầu tư cụ thể.

“Trong quá trình thực hiện, khó khăn mà các chương trình tại cơ sở đang gặp phải là việc áp dụng theo Luật Đầu tư công. Việc đầu tư phụ thuộc vào khả năng ngân sách theo trần nợ công. Mặc dù chương trình đã được Quốc hội phê chuẩn tổng nguồn vốn của 5 năm nhưng tiến độ cấp của ngân sách 3 năm mới đạt 52% so với tổng vốn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tái cơ cấu lại các doanh nghiệp, các địa phương thực hiện chương trình cơ bản là nghèo, không có khả năng đối ứng dẫn đến nguồn lực huy động xã hội để thực hiện giảm so với giai đoạn trước”, ông Ngô Trường Thi cho biết.

Luật Đầu tư công mới triển khai nên về quy định, thủ tục còn mới nên việc triển khai phân bổ nguồn vốn ở địa phương cũng như việc giải ngân còn chậm, chủ yếu vướng quy định về thủ tục, quy trình giải ngân vốn. Hiện nay Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư công để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương.

Trong giai đoạn này, trên tinh thần chỉ đạo của Quốc hội cũng như Chính phủ, giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, không khuyến khích sự chủ động của người nghèo, tăng tính cho vay, gắn với từng đối tượng địa bàn và gắn với hoàn trả . Đây là chủ trương lớn khơi dậy sự chủ động của người dân và cộng đồng. “Tuy nhiên, do chúng ta đã duy trì chính sách hỗ trợ cho không quá lâu, dẫn đến việc chuyển đổi phải có thời gian. Nhiều nơi vẫn có thói quen trông chờ Nhà nước hỗ trợ. Do đó, cần có thời gian chuyển đổi dần dần”, ông Thi cho biết.

XC-TTN/Báo Tin tức
Vận động xã hội chung tay vì người nghèo
Vận động xã hội chung tay vì người nghèo

Với thông điệp “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, chương trình “Chung tay vì người nghèo” sẽ được truyền hình trực tiếp vào tối ngày 17/10, với mong muốn vận động cả xã hội cùng đóng góp vì người nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN