Nấm không rõ nguồn gốc vẫn nhan nhản ở chợ

Sau khi có thông tin về một số loại nấm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các siêu thị đã thu hồi các loại sản phẩm này. Tuy nhiên, tại các chợ ở Hà Nội, loại nấm này vẫn bán khá nhiều. Theo các chuyên gia, nhiều loại nấm trong số đó rất khó trồng ở Việt Nam, đồng thời điều kiện bảo quản cũng không dễ dàng.


Mập mờ nguồn gốc, hạn sử dụng


Khảo sát của phóng viên tại các chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nhiều loại nấm như kim châm, ngọc trai, đùi gà, thủy tiên... vẫn được bày bán với số lượng lớn, song đa phần không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không được bảo quản lạnh. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Hà Nội hiện có vài chục cơ sở sản xuất nấm, song chủ yếu là các loại nấm mỡ, nấm sò, nấm hương; còn các loại nấm cao cấp kể trên rất khó trồng tại điều kiện khí hậu Việt Nam và giá thành cũng tương đối cao.


Người tiêu dùng nên chọn mua nấm có nguồn gốc và hạn sử dụng rõ ràng (ảnh mang tính minh họa).


Tại chợ Thái Thịnh (quận Đống Đa), nấm kim châm được bán với giá 15.000 đồng/túi 150g. Trên túi ghi xuất xứ tại Hàn Quốc và hạn sử dụng là 45 ngày trong điều kiện nhiệt độ 1 - 5 độ C. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, các túi nấm được bày bán ngày này qua ngày khác ở điều kiện thường, nhiệt độ lên đến 20 độ C.


Hiện nay, trên thị trường, loại nấm kim châm mang thương hiệu Biovegi của Công ty Hưng Phát được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đây là sản phẩm nấm được nhập khẩu từ Hàn Quốc, có địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng. Ông Vũ Oanh, đại diện công ty cho biết: “Ở Việt Nam cũng có nơi sản xuất được nấm kim châm nhưng năng suất không cao. Điều kiện để sản xuất nấm kim châm là nhiệt độ -10 độ C nên không phù hợp với thời tiết, khí hậu của nước ta”. Vì vậy, có thể nói, nấm kim châm được bày bán rất nhiều tại các chợ như hiện nay đa phần đều không phải hàng trong nước sản xuất bởi sản phẩm trong nước không thể đủ phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân. Tuy nhiên, đa phần nấm bán trên thị trường hiện chỉ ghi tên đơn vị phân phối mà không ghi rõ nguồn gốc là nhập khẩu hay sản xuất trong nước. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng mà cả cơ quan chức năng rất khó kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm.


Trong khi đó, sau khi có thông tin sản phẩm nấm của cơ sở sản xuất Lưu Mai Hương không rõ nguồn gốc, xuất xứ bày bán nhan nhản trong siêu thị, theo quan sát của phóng viên, các siêu thị Fivimart, Big C đã ngừng bán các loại nấm này để tiến hành xác minh. Tại các siêu thị khác, số lượng nấm được bán giảm hẳn so với trước, chỉ còn nấm Việt Nam, có nguồn gốc rõ ràng.


Khảo sát chiều 25/2 tại siêu thị Intimex Bờ Hồ (Hoàn Kiếm), trên kệ chỉ còn các loại nấm như bào ngư trắng, nấm hương, nấm nâu tây, nấm mỡ… được sản xuất trong nước bởi Công ty Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam với thương hiệu “Tôi yêu nấm Việt”. Điều đó cho thấy các siêu thị đã thắt chặt kiểm soát nấm bán trong siêu thị.


Cẩn thận nấm tẩm hóa chất


Thực tế hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn ham rẻ khi mua nấm ngoài chợ mà không quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Tại các chợ trong nội thành Hà Nội, nấm thường được bán trong các quầy hàng rau. “Tôi chưa thấy ai phàn nàn về việc bị ngộ độc do ăn nấm cả. Còn nguồn gốc, xuất xứ thì ai mà biết chính xác được. Ngay cả rau, củ, quả cũng toàn hàng nhập từ Trung Quốc, miễn là ăn xong không bị ngộ độc”, một tiểu thương chợ Xanh (Định Công) cho biết.


Tuy nhiên, thực chất, nấm được bán trên thị trường hiện nay không hề an toàn như những lời quảng cáo ấy. Bà Lê Thị Minh Hảo, một người có nhiều năm kinh nghiệm trồng nấm ở xã Khánh Hà (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: “Nấm là loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng rất cao nên nếu để ở môi trường bình thường sẽ bị phân hủy nhanh, vài ngày là thối. Dù để trong tủ lạnh cũng chỉ bảo quản được một tuần, sau đó nấm sẽ chuyển từ màu trắng sang màu ngà hoặc màu tím sang màu sẫm, đồng thời có mùi rượu nồng, ăn không còn ngon nữa”. Cũng theo bà Hảo, hiện ở Việt Nam chỉ trồng được những loại nấm đơn giản như sò, linh chi, nấm hương… còn những loại nấm cao cấp không thể có để bán nhiều nhan nhản được.


Các chuyên gia về nghiên cứu sinh học cũng cho biết, nấm thông thường chỉ có thể bảo quản từ 5 - 7 ngày sau khi thu hoạch. Các loại nấm ngoại có thời gian bảo quản đến hơn một tháng sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị ướp thuốc bảo quản, gây hại tới sức khỏe người dùng.


Từ trước đến nay, câu chuyện “thực phẩm bẩn”, không chỉ nấm mà nhiều loại hàng hóa khác, luôn ám ảnh bữa ăn của mỗi gia đình Việt Nam. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đối với vấn đề này, chúng ta phải thực hiện quản lý từ gốc (khâu sản xuất, nhập khẩu), thay cho kiểu quản lý từ ngọn (khâu phân phối) như hiện nay. Còn quản lý khâu bán lẻ chỉ nên là biện pháp bổ sung.


Nhóm phóng viên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN