Nghi vấn cấp cây giống giá cao hơn giá thị trường tại huyện nghèo Bình Gia ​

Gần đây, nhiều hộ dân nghèo trên địa bàn huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn vô cùng bức xúc trước sự việc giá cây giống trong Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 năm 2018 cao bất thường so với giá thị trường.

Nhiều hộ dân thuộc một số thôn, bản trong diện được nhận cây giống cương quyết không nhận và đề nghị chính quyền địa phương giải trình về vấn đề này.

Chú thích ảnh
 Người dân thôn Pàn Deng, xã Hưng Đạo, huyện Bình Gia, Lạng Sơn kiểm tra cây mỡ giống được hỗ trợ. Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Cụ thể, tại xã Hưng Đạo, năm 2018, Dự án cấp phát cây giống cho 422 hộ nghèo, cận nghèo với số tiền mỗi hộ được hỗ trợ là 700.800 đồng/hộ, tương đương 146 cây mỡ giống với giá 4.800 đồng/cây. Nhiều người dân của xã cho biết, trên thị trường, giá cây mỡ giống cao khoảng 30 – 40 cm chỉ có 600 – 650 đồng/cây. Với số tiền 700.800 đồng thì có thể mua được từ 1.000 đến gần 1.200 cây mỡ giống. Chính vì sự không hợp lý trên, toàn bộ các hộ thuộc diện được cấp giống của xã từ chối nhận cây và đề nghị UBND xã phải cấp đủ từ 700 đến 1.000 cây/hộ.

Liên quan đến việc cung ứng giống cây trồng, ngày 19/12/2018, UBND huyện Bình Gia ra Quyết định số 3019/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án Hỗ trợ cây mỡ từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 năm 2018 tại xã Hưng Đạo. Trong Quyết định trên nêu rõ hình thức lựa chọn nhà thầu là “Chào hàng cạnh tranh”; giá gói thầu là 296 triệu đồng. Tuy nhiên cũng trong ngày 19/12/2018, UBND xã Hưng Đạo đã ra Quyết định về việc Phê duyệt kết quả chào hàng cạnh tranh gói thầu mua giống cây mỡ; nhà thầu trúng thầu là Công ty cổ phần giống cây trồng Miền Bắc có địa chỉ tại tỉnh Hưng Yên. 

Dư luận đặt ra câu hỏi về quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu và quyết định phê duyệt kết quả được ban hành cùng 1 ngày? Bởi lẽ theo Điều 58 Nghị định 63/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu (cấp xã) sau khi có quyết định lựa chọn nhà thầu (cấp huyện) phải đăng tải thông báo mời chào hàng. Thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất tối thiểu là 5 ngày, kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ yêu cầu. Cùng với đó là một loạt các quy trình, trình tự về đánh giá, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn thầu… 

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ xã Hưng Đạo mà tại một số xã như Thiện Thuật, Quang Trung… đều có hiện tượng giá cấp phát cây giống ở mức cao. Ông L.V.B, người dân thôn Nà Tèo, xã Quang Trung chia sẻ: Gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, năm 2018 được xã cấp phát cho 90 cây hồi giống cao tầm 30cm thời điểm tháng 11/2018; mỗi cây có giá hơn 7.000 đồng nhưng thực tế giá thị trường chỉ 2.500 tới 3.000 đồng. Gia đình cũng thắc mắc sao được ít cây thế nhưng lại được giải thích là nguồn vốn chỉ được có vậy, không nhận thì thiệt.

Ông Linh Công Thành, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính huyện Bình Gia, Lạng Sơn cho biết: Chúng tôi cũng thấy giá không hợp lý, bức xúc của dân là chính đáng. Chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện cương quyết không quyết toán phần chi phí chênh lệch do áp dụng đơn giá không phù hợp.

Trước sự việc trên, ngày 3/4/2019, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia Hoàng Văn Chung đã ký ban hành văn bản số 344/UBND-VP về việc yêu cầu khắc phục ngay việc thực hiện hỗ trợ chính sách phát triển sản xuất năm 2018. Văn bản nêu rõ, ngày 19/3/2019, UBND huyện đã ban hành văn bản về việc kiểm tra thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2018. Qua kiểm tra đã phát hiện thực hiện chính sách hỗ trợ cho nhân dân không đúng quy định, nhất là về trình tự, thủ tục thực hiện, đơn giá, định mức hỗ trợ. Nguyên nhân dẫn đến sai sót là do UBND các xã lập dự án không đúng quy định, không tuân thủ quyết định của UBND tỉnh; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài chính kế hoạch thực hiện công tác thẩm định dự án, trả lời giá không tuân thủ quyết định của UBND tỉnh Lạng Sơn, không tham khảo thị trường.

Hiện UBND huyện Bình Gia đang chỉ đạo các phòng liên quan điều chỉnh dự án, dự toán dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hướng dẫn các xã thực hiện khắc phục trước ngày 10/4/2019. Chủ tịch UBND các xã phải đảm bảo đơn giá hỗ trợ phù hợp với giá cả thị trường, hỗ trợ hàng hóa bổ sung cho nhân dân phải hoàn thành xong trước ngày 10/4/2019. Trường hợp UBND các xã không khắc phục sai sót, không thực hiện hỗ trợ bổ sung sẽ kiên quyết không quyết toán phần chi phí chênh lệch do áp dụng đơn giá không phù hợp, yêu cầu hoàn trả lại ngân sách nhà nước để tiếp tục hỗ trợ sản xuất cho nhân dân.

Trao đổi với phóng viên ngày 4/4/2019, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia Bùi Hoàng Nam cho biết: Giá cây giống cao như vậy là do việc xác định giá cơ sở ban đầu thiếu chính xác. Doanh nghiệp cung cấp cây giống cho huyện họ đã tăng giá lên, trong khi chuyên môn thẩm định giá của cơ sở lại không có nên tin vào giá đó. Lãnh đạo huyện cũng chủ quan khi cân nhắc phê duyệt giá. Hình thức lựa chọn nhà thầu là chào hàng cạnh tranh và có khả năng việc thực hiện quy trình đấu thầu chưa chính xác dẫn đến lựa chọn nhà cung cấp giống giá cao.

Về quan điểm xử lý vấn đề của chính quyền huyện Bình Gia, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia Bùi Hoàng Nam nhấn mạnh: Việc này có biểu hiện sai phạm. Chủ trương của huyện là chưa truy cứu trách nhiệm, trước mắt là khắc phục hậu quả, sau đó sẽ kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân.

TTXVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.

Bài và ảnh: Nguyễn Quang Duy (TTXVN)
 Tặng cây giống sâm Ngọc Linh cho hộ nghèo
Tặng cây giống sâm Ngọc Linh cho hộ nghèo

Ngày 16-9, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh phối hợp Ủy ban nhân dân hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) tổ chức trao tặng, cấp phát 46.500 cây giống sâm Ngọc Linh. Đợt cấp giống lần này sẽ có 7 xã và 13 tổ liên kết trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh với công ty nằm trong vùng được cấp giấy chứng nhận chỉ đẫn địa lý sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum gồm: xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Đăk Na (Huyện Tu Mơ Rông) và xã Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp (huyện Đăk Glei).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN