Nhiều khó khăn mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Sau gần 4 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, tại Sơn La, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đã được mở rộng. Tuy nhiên, nhiều người chưa mặn mà với bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là người dân ở vùng miền núi khó khăn.

Tuyên truyền mở rộng đối tượng BHXH tại tỉnh Sơn La

Tính đến ngày 31/3/2018, toàn tỉnh Sơn La có 2.774 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 0,41% lực lượng lao động. Hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém; kinh tế của nhiều hộ không ổn định, trông chờ vào mùa vụ, thiên tai lại thường xuyên xảy ra, là nguyên nhân dẫn tới số lao động và người dân vùng miền núi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp so với tiềm năng chung của toàn tỉnh. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chủ yếu là những cán bộ đã đủ tuổi về hưu nhưng còn thiếu một vài năm đóng bảo hiểm xã hội.

Ông Hoàng Xuân Hòa, 63 tuổi, ở bản Mo 4, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết: Trước đây, ông công tác tại UBND xã Quang Huy. Khi ông đủ độ tuổi nghỉ chế độ hưu, số năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội mới chỉ được 16 năm. Theo quy định, người tham gia đóng bảo hiểm phải đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu, do đó, ông đã tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện thêm 4 năm.

Theo ông Hà Tiến Chu, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Phù Yên: Trường hợp ông Hòa là một trong những trường hợp hiếm của huyện. Hiện, số lao động có việc làm ở Phù Yên là khoảng 70.000 người; trong đó, số lao động trong lĩnh vực nông - lâm -ngư nghiệp khoảng 46.000 lao động, công nghiệp - xây dựng khoảng 18.000 người và thương mại - dịch vụ gần 6.000 người. Đối tượng có thể tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện rất lớn. Tuy nhiên, toàn huyện mới chỉ có 197 người tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Số người hiện đang hưởng hưu trí tự nguyện 7 người, trong đó đa phần là những người còn thiếu khoảng từ 1 đến 3 năm đóng bảo hiểm xã hội, còn lại hầu hết là giải quyết chế độ một lần.

Không chỉ ở các huyện, ngay tại thành phố Sơn La - trung tâm kinh tế của tỉnh Sơn La, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng rất hạn chế. Hiện, thành phố Sơn La mới chỉ có 497 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoạt, ở tổ 7, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, kinh doanh mặt hàng quần áo thời trang. Cả hai vợ chồng chị đều chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chị cho biết, gia đình chị mới tìm hiểu qua và chưa thật sự hiểu rõ về lợi ích từ việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hơn nữa thời gian tham gia tới 20 năm, gia đình chị lo không đủ điều kiện để tham gia đến cùng.

Ông Nguyễn Thế Quân, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến người lao động chưa mặn mà với việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là do thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ khá dài, 20 năm. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế nên chưa có chính sách hỗ trợ thêm cho các nhóm đối tượng được hỗ trợ theo quy định của Luật. Từ 1/1/2018, mới bắt đầu triển khai mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; cụ thể, đối tượng nghèo là 30%; đối tượng cận nghèo là 25% và đối tượng còn lại là 10%.

Nhằm nâng cao số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian tới, ông Nguyễn Thế Quân cho biết, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La đã xác định các giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân về lợi ích việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là đối với người lao động ở khu vực phát triển như thành thị, người làm tiểu thương, làm việc ở các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có thu nhập ổn định. Cơ quan chức năng cũng thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong kê khai và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đổi mới tác phong phục vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ người dân của viên chức, người lao động ngành bảo hiểm xã hội.

Nguyễn Chiến/TTXVN
Chuyên gia lao động ILO: Ủng hộ việc tăng tuổi hưu từ từ
Chuyên gia lao động ILO: Ủng hộ việc tăng tuổi hưu từ từ

Đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ từ 60 và 55 lên tương ứng 62 và 60 đang gây chú ý của dư luận. Ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội (Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO) đã trả lời báo chí Việt Nam liên quan về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN