Kỷ niệm ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 - 12/10/2022):

Phan Rang, một miền ký ức

Từ Phan Thiết, chúng tôi ngược ra Phan Rang theo con đường ven biển mới mở. Đường mới, rộng và đẹp. Những cồn cát trắng, làng mạc, thị trấn nối nhau. Thấp thoáng gần xa những cột điện gió. Biển kề bên, những cảng cá, bến thuyền đang vào mùa đánh bắt. Ký ức đưa tôi trở về những năm tháng đã xa.

Chú thích ảnh
Phóng viên TTXGP Trần Mai Hưởng hành quân bằng xe bò trên đường về Cà Ná, tháng 4/1975. Ảnh: Đinh Quang Thành

Ngày 16/4/1975, tổ phóng viên mũi nhọn chúng tôi vừa đến Nha Trang thì nghe tin Phan Rang giải phóng. Nhà báo Vũ Tạo, tổ trưởng, quyết định để nhà báo Lâm Hồng Long và điện báo viên Lê Thái ở lại để sửa điện đài, giữ liên lạc với Hà Nội, còn cả tổ hành quân ngay. Chúng tôi vừa đi vừa dò đường. Phía trước vẫn còn tiếng súng. Những trận đánh đang diễn ra.

Đến cuối giờ chiều chúng tôi kịp vào đến Phan Rang. Đường phố ngổn ngang xe cộ, đồ đạc, dấu vết của một cuộc tháo chạy. Dinh Tỉnh trưởng khói vẫn còn bốc cao... Ngược lại quang cảnh ấy là niềm vui của những người dân vui mừng chào đón những chiến sĩ giải phóng. Những lá cờ nửa đỏ nửa xanh không biết được chuẩn bị từ bao giờ, tung bay bên những ô cửa và những con thuyền máy trên sông Kinh Dinh.

Chú thích ảnh
Tháp cổ Poklong Garai ở Phan Rang.

Tôi cùng các anh trong tổ - các nhà báo Vũ Tạo, Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm, lái xe Ngô Bình - khẩn trương đến những nơi cần nhất: Toà hành chính tỉnh, sân bay Thành Sơn, ngã ba Cây Sanh, chợ Kinh Dinh... để ghi hình ảnh và gặp gỡ với những người dân. Tôi không bao giờ quên cảnh sân bay Thành Sơn còn nguyên dấu vết cuộc tháo chạy hỗn loạn. Một số máy bay bị bỏ lại trên đường băng còn nguyên vẹn.

Khi ấy, tôi không ngờ chỉ ít ngày sau, những chiếc A37 ở đây được các phi công quân giải phóng, dưới sự chỉ huy của phi công Nguyễn Thành Trung, sử dụng trong trận tập kích sân bay Tân Sơn Nhất vào những ngày 28/4/1975. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với chiến sĩ tự vệ Trần Thị Sơn trước toà hành chính còn cuộn đen khói đạn, với bác Chăn Thi, một người dân tại chợ Kinh Dinh... Những cuộc gặp gỡ rất ấn tượng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Phan Rang - Tháp Chàm nhìn từ tháp Poklong Garai.

Ngay sáng hôm sau, để kịp có bài về Phan Rang, tôi đã một mình đi xe máy ngược ra Nha Trang giữa một vùng vừa ngớt chiến sự, trong khi anh em trong tổ lên Đà Lạt cũng vừa giải phóng. Vì điện đài để ở Nha Trang nên tôi không có sự lựa chọn khác... Bây giờ nhìn lại, chắc ít ai hình dung được nhiều công sức phải bỏ ra đến thế để kịp thời có bài về việc đập tan lá chắn phòng thủ Phan Rang của quân Sài Gòn vào một thời điểm quan trọng của chiến tranh.

Chú thích ảnh
Tác giả gặp gỡ với người dân Cà Ná bên đồng muối.

Gần nửa thế kỷ đã qua. Phan Rang - Tháp Chàm đã khác xưa nhiều. Cùng các đồng nghiệp trong Cơ quan thường trú TTXVN tại Ninh Thuận chúng tôi thăm lại các vùng đất và cảm nhận về những thay đổi diễn ra trên mảnh đất này. Toà hành chính cũ giờ là trụ sở Tỉnh uỷ Ninh Thuận. Bên dòng sông Kinh Dinh vẫn còn các khu phố cũ nhưng thành phố mở rộng hơn trước nhiều, với những khu phố mới, hiện đại. Tỉnh đã có đề án khôi phục đường sắt Phan Rang - Đà Lạt, chuyển sân bay Thành Sơn từ sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, du lịch trong thời kỳ mới.

Chú thích ảnh
Khu kinh tế ven biển Ninh Chữ.

Chỉ tính trong 30 năm từ khi tái lập tỉnh (1992-2022), từ một trong các địa phương nghèo nhất, Ninh Thuận vươn lên thành một tỉnh phát triển trung bình, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng gấp gẩn 70 lần so với năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,14%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân khu vực miền Trung.

10 năm trở lại đây, tỉnh định hướng phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; biến những bất lợi của tỉnh trở thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Ninh Thuận là 68,4 triệu đồng/người, gấp gần 50 lần so với năm 1992.

Những năm tới đây, Ninh Thuận tập trung phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, khai thác tiềm năng, lợi thế, gắn với đảm bảo môi trường; phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, phát triển du lịch... Trên cơ sở phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh tiếp tục có các chương trình ổn định an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hoá của người dân. Đi trên bãi biển Ninh Chữ đông khách du lịch, ngang qua những hàng cột điện gió nối nhau chạy dài, những cánh đồng nho đang vào vụ, chúng tôi cảm nhận được những thay đổi đang diễn ra trên mảnh đất này.

Chú thích ảnh
Đường mới ven biển từ Phan Rang về Phan Thiết.

Trong thời gian thăm Phan Rang, tôi có chuyến trở về Cà Ná, một địa danh không quên đối với tôi trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày ấy, sau khi giải phóng Phan Rang, chúng tôi hành quân tiếp vào trong. Tổ phóng viên mũi nhọn đi trên một xe ô tô và một xe máy để cơ động theo yêu cầu công việc.

Sáng hôm ấy, tôi đi xe máy cùng nhà nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, trong khi xe ô tô chở các anh khác cùng điện đài đi trước vào Phan Thiết. Rất không may cho hai chúng tôi, khi đến gần Cà Ná, xe máy xịt lốp vì dính mảnh đạn trên đường. Trời nắng to. Anh Thành và tôi thay nhau đẩy xe. Đoạn quốc lộ ấy vắng vẻ, không có hàng quán hay chỗ sửa xe nào. Vào lúc sức hai anh em đã cạn thì thật may, một chiếc xe bò đi tới. Chúng tôi gặp bác chủ xe, trình bày hoàn cảnh của mình. Bác đồng ý cho chúng tôi buộc xe máy lên xe bò, người ngồi theo để về Cà Ná. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Hơn nữa, đấy còn là một trải nghiệm tuyệt vời về những con người trên vùng đất này.

Khi xe vào làng, biết chúng tôi là nhà báo quân giải phóng, bà con trong làng rất nhiệt tình giúp đỡ. Xe được vá xăm và sửa sang lại nhanh. Chúng tôi có chỗ ăn nghỉ, được đưa đi thăm đồng muối nổi tiếng ở đây. Thái độ ân tình ấy khiến anh Thành và tôi không hề cảm thấy lo ngại về an ninh dù Cà Ná vừa được giải phóng ít ngày. Sáng hôm sau, anh Đinh Quang Thành và tôi lại đi xe máy theo Quốc lộ 1 hành quân tiếp về hướng Phan Thiết trong sự chia tay lưu luyến của người dân ở đây.

Chú thích ảnh
Toà hành chính Ninh Thuận trước đây, nay là trụ sở Tỉnh uỷ Ninh Thuận.

Hơn 47 năm đã qua. Cà Ná ngày nay đã đổi khác rất nhiều. Trên con đường lớn từ phía bờ biển qua khu đồng muối,những cột điện gió gần xa cho thấy một hướng đi mới ở đây. Vẫn còn những cánh đồng muối đất truyền thống nhưng những khu sản xuất muối công nghiệp đã chiếm diện tích lớn hơn. Quá trình sản xuất được cơ giới hoá với tốc độ cao. Cơ sở hạ tầng, nhà cửa của người dân khang trang hơn rất nhiều. Phong cảnh làng xóm cũng khác hẳn xưa.

Tôi có dịp trò chuyện với người dân đang sản xuất, hỏi về những người ngày xưa đã giúp chúng tôi nhưng không gặp ai còn nhớ. Cà Ná có nhiều thôn, dân cư biến động, đã mấy thế hệ lớn lên. Do không còn đủ thời gian ở lại, cùng các đồng nghiệp, tôi đành chia tay Cà Ná với lòng mong mỏi những điều tốt lành nhất sẽ đến với những người đã giúp chúng tôi khi xưa, nếu họ còn sống, cũng như với mọi người dân trên mảnh đất này.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Để 'ký ức' truyền đi sức mạnh
Để 'ký ức' truyền đi sức mạnh

Viljar Hanssen, nạn nhân may mắn sống sót sau vụ tấn công tháng 11/2011 tại trại Hè Utoya ở Na Uy cầm trên tay một tấm hình chụp cùng 2 người bạn thân đã thiệt mạng khi đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN